Nhà văn Vũ Trọng Phụng (bên trái), nhà văn Thạch Lam (bên phải). |
Những cuộc bút chiến giữa Tự lực văn đoàn và các nhà văn đã trở thành một hiện tượng nổi bật trong văn chương Việt Nam giai đoạn 1932-1945. Theo đó, nhà văn Vũ Trọng Phụng là một đối thủ nặng ký với các bài đăng trên tờ Hải Phòng tuần báo.
Trong Mùa mới 2025 (ấn phẩm phục vụ dịp Tết 2025 của Nhà xuất bản Hội Nhà văn), tác giả Yên Ba khẳng định chính những xung đột văn học như vậy đã định hình nên diện mạo văn học thời kỳ này.
Khởi điểm của sự việc bắt đầu từ năm 1932, tờ Phong Hóa của Tự lực văn đoàn nhanh chóng thu hút độc giả nhờ phong cách trào phúng đặc sắc, chế giễu từ các thói hư tật xấu trong xã hội đến chính các đồng nghiệp trong làng báo. Tuy nhiên, điều này cũng khiến họ trở thành mục tiêu của những phản công gay gắt từ các báo khác, trong đó có Hải Phòng tuần báo – nơi Vũ Trọng Phụng là cây bút chủ lực.
Xung đột giữa hai bên được đẩy lên đỉnh điểm vào tháng 8 năm 1934, khi Phong Hóa số 113 đăng bài châm biếm Hải Phòng tuần báo, ám chỉ thái độ “lên mặt đạo đức” khi từ chối đăng quảng cáo thuốc chữa bệnh hoa liễu. Vũ Trọng Phụng đáp trả mạnh mẽ qua bài viết Lựa gió thay chiều, đáng khen thay báo P.H. (Phong Hóa), công kích trực diện phong thái “lập lờ” của Phong Hóa trong việc đánh giá nhảy đầm – một chủ đề nhạy cảm thời bấy giờ. Với lối viết sắc bén và không ngại chỉ đích danh, Vũ Trọng Phụng đã không chỉ chỉ trích Tú Mỡ mà còn gọi Nguyễn Tường Tam và Hoàng Đạo là những kẻ “lờ mờ chính trị”.
Không dừng lại ở đó, Vũ Trọng Phụng còn tiếp tục bài bút chiến qua bút danh Thiên Hư trong bài Thạch Lam chưa biết kéo cánh với bồi và lính tập. Ông chỉ trích Thạch Lam và Tự lực văn đoàn vì mâu thuẫn trong cách họ đối xử với những tầng lớp xã hội thấp kém như bồi và lính tập. Lối viết thẳng thắn và hài hước nhưng không kém phần gay gắt này khiến Vũ Trọng Phụng nổi bật như một người “không sợ đối đầu” trên mặt trận văn học.
Câu chuyện văn chương giai đoạn 1930-1945 được nhà văn Yên Ba kể trong sách Mùa mới. Ảnh: NXB Hội Nhà văn. |
Tuy nhiên, mối quan hệ giữa hai bên không chỉ toàn mâu thuẫn. Dù thường xuyên đối đầu, Tự lực văn đoàn vẫn có những lúc công nhận tài năng của Vũ Trọng Phụng. Phong Hóa số 139 từng đăng ý kiến khen ngợi vở kịch Không một tiếng vang của Vũ Trọng Phụng, với lời nhận xét từ Thế Lữ rằng tác phẩm này “đáng trân trọng vì đã thể hiện được những cảnh đời thảm khốc mà xã hội thờ ơ”. Bên cạnh đó, tác phẩm Dứt tình của Vũ Trọng Phụng cũng được giới thiệu trong mục Sách mới của Phong Hóa, dù sau đó phải cải chính thông tin.
Đặc điểm đáng chú ý của báo chí thập niên 1930 là sự phân định rõ ràng giữa cạnh tranh văn chương và lợi ích kinh tế. Dù bút chiến gay gắt, các tờ báo vẫn đăng quảng cáo cho nhau. Phong Hóa không ngần ngại giễu cợt Hanoi báo nhưng vẫn nhận quảng cáo từ chính đối thủ này.
“Chính mối hiềm khích giữa Tự lực văn đoàn với một loạt nhà văn tài năng ở thập kỷ 1930 đã dẫn tới những cuộc ‘so găng’ chữ nghĩa trong thập niên 30 của thế kỷ 20, trở thành một trong số nhiều động lực thúc đẩy sự ra đời của hàng loạt các tác phẩm có giá trị của cả hai phía. Điều đó đã làm nên diện mạo văn chương của thời kỳ từ 1932 đến 1945 chứ không hẳn đơn thuần chỉ có Tự lực văn đoàn một thân một mình làm nên sự rực rỡ của thời kỳ này”, nhà văn Yên Ba viết trong cuốn sách Mùa mới 2025.
Cuộc bút chiến giữa Vũ Trọng Phụng và Tự lực văn đoàn đã phản ánh sự đa dạng trong quan điểm và phong cách sáng tạo của văn học Việt Nam thời kỳ này. Những xung đột này đã góp phần thúc đẩy sự phát triển của văn học, tạo nên một đời sống sáng tác sinh động.
Đọc được sách hay, hãy gửi review cho Tri Thức – Znews
Bạn đọc được một cuốn sách hay, bạn muốn chia sẻ những cảm nhận, những lý do mà người khác nên đọc cuốn sách đó, hãy viết review và gửi về cho chúng tôi. Tri Thức – Znews mở chuyên mục “Cuốn sách tôi đọc”, là diễn đàn để chia sẻ review sách do bạn đọc gửi đến qua Email: [email protected]. Bài viết cần gửi kèm ảnh chụp cuốn sách, tên tác giả, số điện thoại.
Trân trọng.