Cabin cà phê nhỏ gọn, đơn giản của Highlands Coffee được mở gần cây xăng. Ảnh: Diệu Thanh |
Gần đây, nhiều trạm xăng PV Oil tại TP.HCM và một số tỉnh, thành xuất hiện chiếc cabin bán cà phê mang thương hiệu Highlands Coffee. Chuyên gia đánh giá đây là một chiến lược mang tính đột phá nhưng có định hướng dài hạn, nhằm khai thác các tiềm năng chưa được phát triển trong ngành F&B.
Bán tại cây xăng, giá như cửa hàng
Cabin Highlands Coffee trên đường Võ Văn Ngân (TP Thủ Đức) mở cửa sớm với chỉ một nhân viên pha chế, phục vụ khách mua mang đi. Menu tại đây không có nhiều khác biệt so với các cửa hàng thông thường của chuỗi cả về lựa chọn sản phẩm đồ uống, bánh ngọt và giá cả.
Nhân viên tại đây cho biết cabin cà phê mới đi vào hoạt động từ cuối năm 2024. Hiện tại, các mô hình tương tự cũng đang được chuẩn bị đi vào hoạt động tại các cây xăng và khu vực gần nhà ga metro số 1.
Anh Hải Dương (29 tuổi, TP Thủ Đức) sau khi đổ xăng đã ngắm nghía chiếc cabin hồi lâu, xem xét menu rồi quyết định không mua đồ uống.
Menu tại cabin cà phê cây xăng có giá tương tự các cửa hàng Highlands Coffee. Ảnh: Diệu Thanh. |
“Tôi thường ngồi làm việc hay hẹn gặp bạn ở Highlands vì không gian thoải mái, thư giãn. Tuy nhiên, nếu phải trả mức giá 50.000 đồng/ly đồ uống mang đi thì tôi thấy chưa hợp lý. Nếu mua ở các quán cà phê ven đường, tôi chỉ tốn 15.000-20.000 đồng”, anh Dương nói thêm.
Trong khi đó, chị Nhật Hạ (21 tuổi, TP Thủ Đức) đã mua thử món trà sen vàng tại cabin cà phê cây xăng của Highlands và nhận xét hương vị thức uống tương đồng với các cửa hàng khác. Chị cũng được tặng thêm nhiều voucher mua 1 tặng 1, giảm giá khi mua combo bánh và cà phê.
Thực tế, đây không phải là lần đầu tiên Highlands Coffee “xuống đường”. Năm 2020, chuỗi trà cà phê lớn nhất Việt Nam đã thử nghiệm mô hình kiosk hay xe lưu động bán các món đồ uống take-away với menu tinh giản, giá cả rẻ hơn hẳn so với giá ở cửa hàng. Tuy nhiên, sau một thời gian khiến khách hàng tò mò, bàn tán, các kiosk này đều âm thầm đóng cửa.
Thời điểm đó, một số thương hiệu như The Coffee House, ông Bầu… cũng thử nghiệm mô hình tương tự ở một số tuyến phố tại TP.HCM và Hà Nội. Phúc Long tích hợp quầy bán nước tại hệ thống siêu thị WinMart và WinMart+. Tuy nhiên, mô hình này chưa chứng mình được sự hiệu quả thậm chí còn là nguyên nhân khiến doanh nghiệp tiêu tốn chi phí.
Giàu tiềm năng
Trở lại với cabin cà phê tại cây xăng của Highlands, ông Đỗ Duy Thanh, Giám đốc Công ty tư vấn FnB Director và Horeca Business School, cho biết đây là hướng đi không mới nhưng đang trở thành xu hướng. Điều này không chỉ để mở rộng thị phần mà còn thử nghiệm và sáng tạo trong cách tiếp cận khách hàng. Với chiến lược phù hợp, Highlands hoàn toàn có thể biến cabin mini thành một bước đột phá trong ngành F&B.
Vị này khẳng định mô hình mới Highlands tham gia sâu hơn vào phân khúc cà phê mang đi (take-away) đang phát triển mạnh tại các đô thị lớn. Đây là phân khúc nhắm đến nhóm khách hàng ưu tiên sự tiện lợi và nhanh chóng, điển hình tại các khu vực giao thông đông đúc như trạm xăng.
Thử nghiệm này giúp Highlands Coffee hiểu rõ hơn về hành vi và thị hiếu tiêu dùng của nhóm khách hàng mới. Mô hình cabin được thiết kế với chi phí thấp, thời gian lắp đặt nhanh, đồng thời dễ dàng di chuyển khi cần. Điều này giúp chuỗi thử nghiệm nhiều địa điểm mới mà không gặp phải rủi ro tài chính lớn như với các cửa hàng cố định.
Ngoài ra, các điểm bán này hoạt động như một công cụ nghiên cứu thị trường, thu thập dữ liệu thực tế về lưu lượng khách, doanh thu và thói quen tiêu dùng của từng khu vực. Highlands có thể sử dụng dữ liệu này để quyết định mở rộng hoặc chuyển đổi chiến lược tại từng địa phương.
Chuyên gia đánh gia mô hình cabin cà phê cây xăng mang lại nhiều lợi ích lâu dài cho Highlands. Ảnh: Diệu Thanh. |
Về giá cả, ông Thanh nhận định mô hình cabin không cạnh tranh trực tiếp với các cửa hàng lớn mà hướng đến phân khúc khách hàng khác biệt. Do đó, việc giữ nguyên giá không khiến mô hình này kém khả thi.
Vị chuyên gia cho biết cabin mini phục vụ nhóm khách hàng ưu tiên sự nhanh chóng và tiện lợi, trong khi cửa hàng truyền thống tập trung vào trải nghiệm không gian. Đây là hai phân khúc hoàn toàn tách biệt và không xung đột.
Bên cạnh đó, Highlands còn lợi thế thương hiệu mạnh, đã ghi dấu ấn trong lòng khách hàng. Với chất lượng sản phẩm đã được khẳng định, khách hàng sẵn sàng chi trả mức giá tương đương tại cabin để đổi lấy sự tiện lợi.
Ngoài ra, chuỗi có thể áp dụng các chương trình khuyến mãi hoặc combo để tăng khả năng cạnh tranh. Ông Thanh lấy dẫn chứng mô hình tương tự là Starbucks Pickup Store giữ nguyên mức giá nhưng vẫn thành công vì tận dụng thương hiệu và chất lượng vượt trội.
Nhìn chung, vị chuyên gia đánh giá Highlands không chỉ đang tối ưu hóa nguồn lực mà còn khẳng định vị thế trong việc đón đầu các xu hướng tiêu dùng hiện đại.
Bên cạnh áp dụng mô hình kinh doanh mới, thời gian gần đây, Highlands Coffee đã liên tục mở mới các cửa hàng. Đến cuối năm 2024, chuỗi có khoảng 830 cửa hàng trên cả nước. Nếu chỉ tính trong 2 năm gần nhất (2023-2024), chuỗi trà cà phê này đã mở mới khoảng 300 cửa hàng, hầu hết đều mang quy mô lớn tại các địa điểm du lịch nổi tiếng như Bưu điện TP.HCM, bến Bạch Đằng quận 1, quảng trường Lâm Viên TP Đà Lạt, phố cổ Hoa Lư TP Ninh Bình…
Theo báo cáo tài chính của Tập đoàn Jollibee Foods Corp (Philippines) – chủ sở hữu chuỗi đồ ăn nhanh Jollibee và Highlands Coffee Việt Nam, trong 9 tháng đầu năm 2024, chuỗi trà cà phê lớn nhất Việt Nam đã ghi nhận 750 tỷ đồng lợi nhuận, tăng 3% so với cùng kỳ năm trước.
Còn theo Vietdata, Highlands Coffee cũng là chuỗi trà cà phê có doanh thu lớn nhất thị trường trong nước, đến cuối năm 2023, nắm khoảng 12% thị phần. Riêng năm 2023, chuỗi đạt doanh thu gần 4.000 tỷ đồng.
Tri Thức – Znews giới thiệu độc giả Tủ sách kiến thức kinh tế với đa dạng cuốn sách, câu chuyện trong lĩnh vực kinh doanh, kinh tế. Là nguồn tư liệu cho những người quan tâm và muốn nâng cao kiến thức trong lĩnh vực kinh tế. Những cuốn sách, câu chuyện trong Tủ sách không chỉ đơn thuần là những tác phẩm của tri thức mà còn chứa đựng bí quyết, kinh nghiệm quý báu từ các tác giả, nhà quản lý có uy tín và kinh nghiệm lâu năm trong ngành.
Đọc sách không chỉ giúp người đọc tiếp cận những kiến thức mới mà còn giúp mở rộng tầm nhìn và phát triển bản thân. Tủ sách kiến thức kinh tế mong muốn lan tỏa tri thức trong lĩnh vực kinh doanh, đồng thời phát triển văn hóa đọc cho người Việt.