“Tôi là LGBT và bị bệnh tâm thần”, trích bài đăng của một nhân viên trên nền tảng nội bộ Workplace. Ảnh: New York Times. |
Công ty mẹ của Facebook, Instagram, Threads đang đối mặt với làm sóng chỉ trích gay gắt từ chính đội ngũ nhân viên của mình, sau khi CEO Mark Zuckerberg thông báo thay đổi chính sách kiểm duyệt nội dung.
Theo thông tin nội bộ và các cuộc phỏng vấn với nhân viên hiện tại của Meta được thực hiện bởi 404 Media, chính sách mới cho phép người dùng đăng tải các nội dung nói rằng cộng đồng LGBTQ+ là những người “mắc bệnh tâm thần”.
Đây là một phần của chiến lược mới được Zuckerberg gọi là “trở về cội nguồn tự do ngôn luận”. Mục tiêu là giảm bớt việc kiểm duyệt nội dung trên các nền tảng của công ty.
Tâm lý của nhân viên LGBTQ+ rơi xuống đáy
Theo 404 Media, thông báo này được đưa ra vào ngày 6/1 vừa qua và đã tạo ra một làn sóng phẫn nộ trong nội bộ Meta.
Trên nền tảng Workplace của công ty, một bài viết có hàng trăm bình luận và hơn 1.000 lượt tương tác đặt câu hỏi: “Chính sách này được thay đổi như thế nào, khi nó không phản ánh bất kỳ đồng thuận khoa học chính thống nào? Ai là người đã được tham vấn thay đổi này và nó có phù hợp với giá trị của công ty không?”.
Zuckerberg tuyên bố rằng Meta sẽ “loại bỏ nhiều hạn chế” trong các chủ đề nhạy cảm như nhập cư, giới tính và nhận dạng giới. Theo tài liệu nội bộ, một trong những thay đổi cụ thể là cho phép những “cáo buộc về bệnh tâm thần hoặc bất thường dựa trên giới tính hoặc xu hướng tính dục”.
Đây là một thay đổi gây tranh cãi bởi lâu nay, quan điểm cho rằng LGBTQ+ là dấu hiệu của bệnh tâm thần đã bị bác bỏ bởi cộng đồng khoa học. Trong lịch sử, những quan điểm sai lệch như vậy đã được sử dụng để kỳ thị và phân biệt đối xử với cộng đồng này.
Đối mặt với chỉ trích, Zuckerberg vẫn kiên định với hướng đi mới. Trên Threads, ông tuyên bố: “Một số người có thể rời bỏ nền tảng của chúng ta, nhưng tôi tin rằng đa số và nhiều người dùng mới sẽ nhận thấy rằng những thay đổi này khiến sản phẩm của chúng ta tốt hơn”. Ảnh: Redux. |
Một người khác bày tỏ: “Tôi đã phải đọc đi đọc lại ngôn ngữ trong chính sách nhiều lần để tin rằng điều mình thấy là thật. Đây là một lời tuyên bố rằng chúng ta cho phép công kích người khác dựa trên khuynh hướng tình dục hoặc nhận dạng giới của họ. Tôi không thể hiểu nổi tại sao họ nghĩ rằng điều này là chấp nhận được”.
Phản hồi, một thành viên trong đội ngũ chính sách của Meta cho biết “giá trị cốt lõi của chúng ta không thay đổi”. Chính sách mới sẽ giảm bớt “áp dụng quá mức” của các quy tắc trước đây.
“Khẳng định giá trị cốt lõi về tự do ngôn luận đồng nghĩa với việc chúng ta có thể thấy những nội dung mà người khác cảm thấy phản cảm. Nhưng sự thay đổi này cũng tạo ra cơ hội đối thoại về những chủ đề quan trọng”, trích bài viết.
Tuy nhiên, phản hồi này không thuyết phục được nhiều nhân viên. Một người cho biết: “Meta lúc này đã hoàn toàn hỗn loạn. Gần như toàn bộ bình luận đều phản đối chính sách mới, trừ một lãnh đạo lặp lại các quan điểm của Zuckerberg”. Sốc, hoài nghi, xấu hổ, nhục nhã là cảm xúc của họ lúc này.
Nói với 404 Media, nhiều nhân viên cho biết họ và nhiều đồng nghiệp trong cộng đồng LGBTQ+ cảm thấy bị tổn thương sâu sắc và bơ vơ vì không được hỗ trợ. “Tâm lý của nhân viên LGBTQ+ đang ở mức thấp nhất từ trước đến nay. Một số người đã xin nghỉ việc và một số khác thậm chí cân nhắc việc rời bỏ công ty”, trích lời nhân viên.
Nhân viên chẳng buồn bênh vực Meta
Hiện tại, Meta vẫn chưa đưa ra câu trả lời rõ ràng về cách thức thay đổi chính sách. Một số nhân viên nhấn mạnh rằng các thay đổi trước đây thường có sự tham vấn với các tổ chức phi lợi nhuận, luật sư và chuyên gia về lĩnh vực đó. Tuy nhiên, lần này, thông tin về quá trình đó hoàn toàn vắng bóng.
Lần thay đổi này diễn ra trong bối cảnh Meta đã sa thải mạnh tay đội ngũ kiểm duyệt nội dung trong những năm gần đây. Điều này dẫn đến hàng loạt thất bại trong việc kiểm soát ngôn từ kích động thù địch, đặc biệt là nhắm vào cộng đồng LGBTQ+.
Một nhóm nhà vận động trưng bày banner hình Zuckerberg bên ngoài Điện Capitol vào năm 2018. Ảnh: New York Times. |
Trong một cuộc phỏng vấn năm 2024, giáo sư Sarah T. Roberts tại UCLA và tác giả cuốn Behind the Screen: Content Moderation in the Shadows of Social Media, nhận định các nền tảng mạng xã hội đang thử nghiệm xem “mức độ kiểm duyệt tối thiểu mà họ có thể duy trì” là bao nhiêu.
Riêng Meta, Roberts cho rằng Zuckerberg đang cố gắng thể hiện sự ủng hộ với những quan điểm chính trị bảo thủ. Đặc biệt là khi tập đoàn đang đứng trước sự thay đổi chính trị lớn ở Mỹ với sự trở lại của Donald Trump.
Theo Firstpost, Instagram và Threads cũng sẽ sớm bắt đầu đề xuất nội dung chính trị cho người dùng, thay vì chỉ hiển thị khi người dùng chủ động tìm kiếm. Theo người đứng đầu Instagram Adam Mosseri, người dùng sẽ có 3 mức độ tiếp cận với nội dung chính trị: “ít hơn”, “tiêu chuẩn” (mặc định) và “nhiều hơn”.
Meta còn loại bỏ các cơ quan kiểm chứng thông tin bên thứ 3 trên Facebook, Instagram và Threads, thay thế bằng tính năng “Community Notes”. Hệ thống cộng đồng này tương tự trên X (trước đây là Twitter). Việc bổ nhiệm Joel Kaplan, người thân cận với đảng Cộng hòa làm chủ tịch phụ trách các vấn đề toàn cầu của Meta, càng củng cố quan điểm rằng công ty đang nghiêng về phía bảo thủ.
Loạt thay đổi này đã làm dấy lên làn sóng chỉ trích từ các nhóm vận động và người dùng. Nhiều người lo ngại rằng Meta đang ưu tiên các lợi ích chính trị và thương mại hơn là trung lập và lòng tin của người dùng.
“Khi tôi mới gia nhập công ty, mọi người chỉ trích vì tôi làm việc ở đây. Tôi đã bảo vệ các công ty hết lần này đến lần khác. Nhưng riêng điều này, thật kinh khủng”, trích lời một nhân viên Meta.
Cuốn sách phơi bày mặt tối của Facebook
“Broken Code” của Jeff Horwitz dựa trên hơn 25.000 trang tài liệu nội bộ, tiết lộ những tranh cãi, xung đột bên trong Facebook cùng tác động khôn lường của nó đến nhân loại. Tác giả tập trung vào những biến động dữ dội của mạng xã hội lớn nhất hành tinh trong những năm gần đây.