Đại gia Vũ Văn Tiền (cạnh Xuân Son) tới bệnh viện tặng ôtô cho cầu thủ. Ảnh: FBNV. |
Ngay trong lần đầu tiên tham dự giải ASEAN Cup (trước đây là AFF Cup), cầu thủ Nguyễn Xuân Son đã ghi dấu ấn đậm nét với cú đúp danh hiệu cá nhân Vua phá lưới và Cầu thủ hay nhất giải.
Trong trận chung kết lượt về ASEAN Cup 2024 tại Bangkok (Thái Lan), Nguyễn Xuân Son bị chấn thương nặng, không thể thi đấu hết trận. Tuy nhiên, tinh thần cống hiến cho màu cờ sắc áo của tiền đạo CLB Nam Định đã nhận được nhiều lời khen từ người hâm mộ nước nhà.
Mới đây, liên doanh ôtô giữa Tập đoàn Chery (Trung Quốc) – Omoda & Jaecoo Việt Nam và Tập đoàn Geleximco đã trao tặng nam cầu thủ chiếc xe điện Jaecoo J7 PHEV vì những đóng góp của chân sút 27 tuổi trên hành trình chinh phục chức vô địch ASEAN Cup 2024.
Bên cạnh ban lãnh đạo tập đoàn ôtô đến từ Trung Quốc, buổi trao tặngcòn có sự xuất hiện của Chủ tịch Tập đoàn Geleximco Vũ Văn Tiền, một trong những đại gia có tiếng tại Việt Nam.
Đại gia gốc Thái Bình
Ông Vũ Văn Tiền sinh năm 1959 tại huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình. Ông là một trong những đại gia có tiếng tại thị trường Việt Nam. Dù chưa được thống kê công khai, ông Tiền được giới kinh doanh trong nước dự báo đủ tiềm lực để nằm trong nhóm những tỷ phú USD của Việt Nam.
Theo tìm hiểu, ông Vũ Văn Tiền tốt nghiệp cử nhân Kinh tế của Đại học Kinh tế Quốc dân và kỹ sư của Học viện Kỹ thuật Quân sự.
Giai đoạn 1986-1992, ông là cán bộ ở Tổng công ty Vật tư Nông nghiệp Hà Nội. Đến tháng 1/1993, ông thành lập CTCP Xuất nhập khẩu Tổng hợp Hà Nội, tiền thân của Tập đoàn Geleximco, với vốn điều lệ ban đầu 3 tỷ đồng. Tại Geleximco, ông Vũ Văn Tiền đảm nhiệm vị trí Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc.
Ban đầu, công ty hoạt động kinh doanh chủ yếu trong lĩnh vực xuất nhập khẩu hàng tiêu dùng và tư liệu sản xuất từ Nga, Đông Âu. Sau đó, doanh nhân Vũ Văn Tiền định hướng Geleximco chuyển sang mô hình phát triển đa ngành, ưu tiên sản xuất công nghiệp.
Chủ tịch Geleximco Vũ Văn Tiền. Ảnh: Geleximco. |
Năm 2001, doanh nghiệp này tăng vốn điều lệ lên 50 tỷ đồng, hợp tác với Tập đoàn Lilama đầu tư dự án Nhà máy Xi măng Thăng Long với tổng mức đầu tư lên tới 350 triệu USD. Đến năm 2004, công ty tăng vốn điều lệ lên 150 tỷ đồng.
Năm 2007, Geleximco chuyển đổi từ loại hình công ty trách nhiệm hữu hạn sang công ty cổ phần, đồng thời tăng vốn điều lệ lên 1.230 tỷ đồng. Hai năm sau đó, vốn điều lệ của công ty được tăng lên 2.000 tỷ đồng và tiếp tục tăng lên 6.000 tỷ đồng vào năm 2011. Theo dữ liệu trên HNX, hiện vốn điều của lệ của Tập đoàn Geleximco đạt 9.600 tỷ đồng.
Kể từ khi chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần, Geleximco cũng bắt đầu xây dựng hệ sinh thái đa ngành, tập trung vào 4 lĩnh vực chính gồm sản xuất công nghiệp, tài chính ngân hàng, bất động sản và thương mại dịch vụ.
Trong lĩnh vực công nghiệp, các dự án nổi bật của Geleximco có thể kể đến Nhà máy sản xuất bột giấy An Hòa và Nhà máy giấy An Hòa (tổng vốn đầu tư 450 triệu USD), Nhà máy Nhiệt điện Thăng Long (tổng vốn đầu tư 900 triệu USD, công suất 620 MW)…
Ở mảng bất động sản, thương hiệu Geleximco gắn liền với những dự án như Khu đô thị thành phố giao lưu trên đường Phạm Văn Đồng, Khu đô thị Gelexia Riverside, Khu đô thị Lê Trọng Tấn, Khu đô thị sinh thái Trung Minh Geleximco ở Hòa Bình, gần đây nhất là dự án Geleximco Southern Star. Geleximco cũng là chủ sở hữu dự án Khu du lịch quốc tế Đồi Rồng (Dragon Ocean Đồ Sơn) tại Đồ Sơn, Hải Phòng với tổng diện tích hơn 480 ha, vốn đầu tư hơn 30.000 tỷ đồng.
Về lĩnh vực thương mại – dịch vụ, tập đoàn của ông Vũ Văn Tiền sở hữu sân golf Geleximco Hòa Bình – Hilltop Valley Golf Club, Khách sạn Thái Bình Dream, Khách sạn Hạ Long Dream, tòa nhà văn phòng thương mại Parkview Hoàng Cầu…
Riêng mảng tài chính, tên tuổi của Geleximco và đại gia gốc Thái Bình gắn liền với Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank) và CTCP Chứng khoán An Bình. Ông Tiền từng có thời gian dài ngồi ghế Chủ tịch HĐQT ABBank trước khi chuyển giao vị trí này cho em vợ là ông Đào Mạnh Kháng vài năm trước. Hiện ông Tiền vẫn giữ vai trò Phó chủ tịch HĐQT ngân hàng.
Tại thị trường trong nước, Geleximco hiện là một trong những tập đoàn kinh tế tư nhân lớn với tổng tài sản hơn 80.000 tỷ đồng và doanh thu hàng năm trên 20.000 tỷ.
Trong công bố thông tin định kỳ về tình hình tài chính năm 2023, Geleximco ghi nhận lợi nhuận sau thuế gần 74 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu tại thời điểm 31/12/2023 đạt 12.295 tỷ đồng.
Liên doanh sản xuất xe điện tại Việt Nam
Bên cạnh 4 lĩnh vực trên, tập đoàn của ông Vũ Văn Tiền còn tham gia liên doanh với các nhà sản xuất ôtô trên thế giới. Ngay từ năm 1996, Geleximco đã hợp tác sản xuất phụ từng ôtô, xe máy Honda thông qua Công ty TNHH Sản xuất phụ tùng ôtô xe máy Việt Nam (VAP), một trong những liên doanh thành công đầu tiên giữa Việt Nam và Nhật Bản.
Gần nhất vào đầu năm 2024, Tập đoàn Geleximco và Công ty TNHH Ôtô Omoda & Jaecoo (thuộc Tập đoàn Chery Trung Quốc) đã ký kết hợp đồng liên doanh đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất ôtô tại Khu công nghiệp Hưng Phú (huyện Tiền Hải, Thái Bình) với vốn đầu tư hơn 800 triệu USD, công suất 200.000 xe/năm. Ông Tiền cho biết đây là dự án có tổng mức đầu tư lớn nhất trong lĩnh vực công nghiệp ôtô giữa Việt Nam và Trung Quốc.
Cuối tháng 10/2024, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình đã trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và đăng ký doanh nghiệp cho liên doanh của Geleximco và Chery.
Omoda và Jaecoo là 2 thương hiệu phục vụ thị trường quốc tế của Tập đoàn Chery. Ảnh: MyCarSearch. |
Theo kế hoạch, trong giai đoạn đầu, Tập đoàn Chery sẽ tập trung vào việc phân phối các dòng xe xăng trước khi mở rộng sang các dòng xe PHEV (xăng điện hỗn hợp), phù hợp với xu hướng toàn cầu.
Omoda và Jaecoo là 2 thương hiệu dành cho thị trường quốc tế của Tập đoàn Chery và hiện có mặt tại 40 quốc gia với gần 900 đại lý.
Chiếc J7 PHEV mà liên doanh ôtô này tặng cầu thủ Nguyễn Xuân Son là mẫu xe nằm trong phân khúc SUV hạng C, chưa có mặt tại thị trường Việt Nam. Ước tính, giá trị của chiếc xe này vào khoảng 800 triệu đồng.
Về Tập đoàn Chery (Trung Quốc), tập đoàn được thành lập năm 1997, có trụ sở tại Vũ Hồ, tỉnh An Huy. Trong 22 năm liên tiếp, Chery luôn giữ danh hiệu nhà xuất khẩu xe lớn nhất tại Trung Quốc.
Năm 2024, Chery ghi nhận doanh số bán hàng đạt kỷ lục hơn 2,6 triệu xe, tăng 38% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, doanh số xuất khẩu đạt hơn 1,14 triệu xe, tăng 21%.
Doanh thu cùng năm của tập đoàn này cũng lập kỷ lục 480 tỷ nhân dân tệ (khoảng 65 tỷ USD), tăng hơn 50% so với năm liền trước.
Ngoài thị trường nội địa, hãng xe này đang hoạt động mạnh tại thị trường Nam Mỹ, Đông Âu và Châu Phi. Chiến lược tiếp theo của hãng là tập trung sự hiện diện tại Đông Nam Á.
Trong môi trường kinh tế hiện nay, đầu tư đã trở thành khái niệm không mấy xa lạ với hầu hết mọi người. Để độc giả có thể tiếp cận những xu hướng đầu tư mới nhất, Tri Thức – Znews xây dựng chủ đề Đầu tư qua sách – nơi ghi lại những cuốn sách, câu chuyện, xu hướng đầu tư đã và đang diễn ra. Trong đó, các lĩnh vực đầu tư phổ biến bao gồm bất động sản, chứng khoán, ngoại hối và tiền ảo… Ngoài các câu chuyện về đầu tư, Đầu tư qua sách còn bao gồm các kiến thức về quản lý gia sản, tài chính cá nhân.