Tầm nhìn cá nhân


Ảnh minh họa. Nguồn: juliethall.

Công cụ: Tầm nhìn cá nhân

“Thời gian của bạn có hạn, vì vậy đừng lãng phí nó mà sống cuộc đời của người khác. Đừng để bị trói buộc bởi thói đời – đừng sống vì suy nghĩ của người khác”. Steve Jobs đã chia sẻ quan điểm này tại lễ tốt nghiệp của Đại học Stanford niên khóa 2005.

Chọn đúng nguồn động lực là rất quan trọng cho sự phát triển cá nhân và giảm thiểu sự trì hoãn. Do đó, công cụ thiết thực đầu tiên mà chúng tôi chia sẻ với bạn trong cuốn sách này là cách xây dựng Tầm nhìn cá nhân, tạo tiền đề cho động lực dựa trên hành trình.

Loại động lực này sẽ làm cho tầm nhìn của bạn có tác dụng lâu dài và không chỉ đem lại kết quả mà còn khiến bạn hạnh phúc hơn. Và, bởi chúng ta đang nói về cuộc sống của bạn và trách nhiệm của bạn đối với nó, nên bạn cần tạo ra Tầm nhìn cá nhân của riêng mình. Đừng bao giờ quên từ “cá nhân” trong tên của công cụ này.

Có lần một khách hàng yêu cầu tôi xây dựng tầm nhìn cho anh. Anh sẵn sàng trả tiền cho dịch vụ này; anh tuyên bố rằng anh không có thời gian để tự làm. Tôi giải thích với anh rằng nó sẽ không có tác dụng. Để một tầm nhìn khơi dậy động lực bên trong, đó phải là biểu hiện của sự tự chủ; đó phải là tầm nhìn của chính bạn – thành quả lao động – chứa đựng những suy nghĩ và giá trị của bạn.

Làm thế nào để kiến tạo tầm nhìn? Trước khi bắt đầu, chúng tôi khuyến nghị bạn hãy thực hiện vài bước đơn giản. Chúng tôi phát triển những công cụ hỗ trợ dưới đây để giúp bạn khám phá những thông tin hữu ích về bản thân giúp bạn tạo nên phiên bản chính thức của Tầm nhìn cá nhân.

  • Bảng phân tích SWOT cá nhân nhằm khai phá điểm mạnh và điểm yếu của bạn. Nó cũng giúp bạn xác định những nguy cơ có thể ngăn cản bạn tiến lên phía trước cũng như tìm ra những cơ hội mới.
  • Danh sách thành tích cá nhân giúp bạn viết ra những điều bạn đã đạt được trong cuộc sống và khiến bạn tự hào về bản thân.
  • Bảng phân tích các hoạt động truyền động lực giúp vạch ra những điều bạn muốn làm trong cuộc đời. Có bốn loại hoạt động có thể tạo ra động lực mạnh mẽ.
  • Tầm nhìn cá nhân phiên bản beta (bản nháp) giúp bạn đặt nền móng cho phiên bản chính thức. Giai đoạn đầu của việc kiến tạo tầm nhìn là quan trọng nhất, nhưng mọi người lại thường trì hoãn làm việc này. Phương pháp này đơn giản hoá quy trình và cho phép bạn sẵn sàng bắt đầu.

Hãy dành cho mình trọn một buổi chiều để thư thả bắt tay vào việc. Các trang kế tiếp sẽ hướng dẫn chi tiết cách làm. Kiến tạo Tầm nhìn cá nhân là việc không thể xong trong ngày một ngày hai. Đừng nôn nóng. Cứ làm đi, rồi bạn sẽ thấy mình đang dần dần thiết lập nên Tầm nhìn cá nhân chính thức cho bản thân mình.

Thoi  quen anh 1

Ảnh minh hoạ sách.

Bảng phân tích SWOT cá nhân

Bạn giàu sáng tạo nhưng đôi khi hơi vô tổ chức? Hay bạn tỉ mỉ và có đầu óc phân tích nhưng đôi khi thiếu khả năng ứng biến? Tôi thường hỏi mọi người điểm mạnh và điểm yếu của họ là gì, họ thích và không thích loại hoạt động nào. Thật thú vị rằng tuy đây là câu hỏi tương đối quan trọng, mọi người thường không biết trả lời. Phân tích SWOT(*) cá nhân sẽ giúp bạn tìm ra đáp án.

Điều đầu tiên bạn cần làm là điền vào dòng trên cùng của bảng phân tích SWOT. Hãy tự hỏi: “Điểm mạnh và điểm yếu của tôi là gì?” Cố gắng nghĩ ra ít nhất năm điểm mạnh và năm điểm yếu. Mục đích của những điều này là gì?

(*) S = Strengths (Điểm mạnh), W = Weaknesses (Điểm yếu), O = Opportunities (Cơ hội), T = Threats (Nguy cơ) 80 | Chấm dứt thói trì hoãn

Thoi  quen anh 2

Ảnh minh hoạ sách.

Bạn nên sử dụng điểm mạnh của mình vào các hoạt động bạn thường xuyên thực hiện để hoàn thành tầm nhìn. Khi bạn có những kỹ năng và nhận thấy cảm giác ý nghĩa, dòng chảy sẽ được tạo ra. Ngược lại, điểm yếu là kẻ thù của dòng chảy, vì vậy hãy cẩn thận với chúng khi xây dựng tầm nhìn. Nếu bạn thiếu kỹ năng để thực hiện một hoạt động nhất định, nhưng hoạt động đó lại quan trọng với việc hoàn thành tầm nhìn, cuối cùng bạn sẽ chỉ cảm thấy lo lắng và thất vọng.

Thoi  quen anh 3