Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành kế hoạch về việc tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 3 năm 2024 với nhiều hoạt động phong phú tuyên truyền về giá trị, ý nghĩa của Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam gắn với việc phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng, gắn với thông điệp: “Sách hay cần bạn đọc”; “Sách quý tặng bạn”; “Tặng sách hay – Mua sách thật”; “Sách hay: Mắt đọc – Tai nghe”.
Các hoạt động Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức nhằm góp phần thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển văn hóa đọc; triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về xây dựng phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam.
Tổ chức các sự kiện, ngày hội sách phong phú tại cơ quan, đơn vị. Ảnh minh họa. |
Các cơ quan, đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức các hoạt động chào mừng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 3 – năm 2024 gắn với các hoạt động sinh hoạt chuyên đề hoặc lồng ghép với các sự kiện, hoạt động chính trị, tinh thần của cơ quan, đơn vị; treo băng rôn, khẩu hiệu chào mừng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 3 – năm 2024 tại trụ sở hoặc truyền thông trên trang tin điện tử của cơ quan, đơn vị.
Tăng cường tổ chức các câu lạc bộ đọc sách trực tuyến. Ảnh minh họa |
Các cơ quan, đơn vị tăng cường tổ chức các sự kiện, Ngày hội Sách và Văn hóa đọc gồm hoạt động tuyên truyền giới thiệu sách, kể chuyện và làm theo sách, vẽ tranh theo sách, xếp sách nghệ thuật, giao lưu, tọa đàm về sách và văn hóa đọc, tôn vinh người đọc, người sáng tác, người làm thư viện, lưu giữ, sưu tầm, quảng bá sách và góp phần phát triển văn hóa đọc, tổ chức không gian giới thiệu sách của các nhà xuất bản, đơn vị phát hành, ký tặng sách, quyên góp, ủng hộ và trao tặng sách, hoạt động đổi sách cũ – lấy sách mới, khuyến đọc, hướng dẫn phương pháp, kỹ năng đọc sách, phát triển kỹ năng tìm kiếm, khai thác và sử dụng thông tin…
Cùng với đó, các cơ quan, đơn vị tổ chức các buổi hội thảo, thảo luận, trao đổi kiến thức về xu hướng đọc, chia sẻ các thông tin về cách sử dụng công nghệ và nền tảng số đọc điện tử mới để khuyến khích việc đọc sách như xu hướng đọc sách số, sách âm thanh, sách tương tác và các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo và thực tế ảo…; tổ chức các câu lạc bộ đọc sách trực tuyến, tạo ra các nhóm đọc sách trực tuyến để thảo luận về tác phẩm thông qua các nền tảng trực tuyến như Zoom, Skype, Google Meet…