Cầu thang là bệ phóng đầu tiên đưa trí tưởng tượng của tôi cất cánh, nhưng nó không phải điểm cuối cùng. Khi tôi bắt đầu sự nghiệp của riêng mình vào giữa những năm 1980, tôi lấy cảm hứng từ các giá trị cũ, thậm chí tới mức cổ điển: cà phê, vốn đã được sử dụng từ nhiều thế kỷ, cũng như nhu cầu cơ bản của con người luôn muốn được kết nối cộng động, vốn đã ghi sẵn trong gene di truyền của chúng ta.
Tôi mường tượng ra một cách khác giúp kết hợp những thứ này lại với nhau: các quán cà phê Starbucks. Khi tôi mở mấy quán cà phê đầu tiên của mình, tôi muốn mang lại một nơi mọi người có thể tìm về để trốn chạy khỏi hỗn loạn của đời sống và có được cảm giác thân quen. Hơn bốn mươi năm sau, chuyện ghé quán Starbucks uống cà phê đã trở thành thú vui thường lệ, thành khoảng nghỉ xả hơi cho biết bao triệu người trên khắp bảy mươi bảy quốc gia. Không phải nhà, cũng không phải nơi làm việc, các quán cà phê Starbucks được coi là một “chốn thứ ba”.
Ảnh minh hoạ. Nguồn: BBC. |
Với tôi, ý tưởng “chốn thứ ba” không chỉ là một thứ gì đó tồn tại giữa bốn bức tường. Nó là một lối tư duy. Một cách hiện hữu giữa thế giới này. Đó là lý do tôi ra sức xây dựng một doanh nghiệp vừa kiếm được lợi nhuận lại vừa thể hiện được đức tính cơ bản: rằng mọi người dù khác nhau tới mức nào cũng đều có thể sát cánh cùng nhau và nâng đỡ lẫn nhau.
Về mặt này, chuyến hành trình của Starbucks cũng là tấm gương phản chiếu chuyến hành trình của nước Mỹ. Không phải vì đất nước này là một doanh nghiệp, mà vì môi trường kinh doanh của đất nước này là cuộc chiến giằng xé triền miên ra sức cân bằng giữa hai ưu tiên tưởng chừng đối nghịch nhau là tình người và lợi nhuận.
Tôi có niềm tin mãnh liệt rằng những nỗ lực từ phía Starbucks khi cố gắng trở thành một kiểu công ty khác biệt – kiểu công ty mà bố tôi, một lao động phổ thông, không bao giờ có cơ may được đầu quân – đáng được chia sẻ trong thời điểm đất nước đang ở giao lộ hết sức mong manh nhưng cũng đầy triển vọng lớn mạnh, thời điểm mà sự thật và nhân phẩm cần phải thực hiện cú lội ngược dòng ngoạn mục nhất.
Trên một phương diện nào đó, những trang sách này nói về Starbucks và tuổi thơ của tôi ít hơn là nói về nơi mà chúng tôi cùng sinh ra: Hợp chúng quốc Mỹ. Các câu chuyện nhỏ đan xen giữa tuổi trẻ và những năm tháng cuối cùng của tôi ở Starbucks kể nên một câu chuyện bao quát hơn.
Đó là câu chuyện về kiến thiết và đổi mới. Về triển vọng. Về sức mạnh con người có thể làm thay đổi cuộc đời của những người sống quanh họ cũng như cuộc đời của chính họ. Đó là câu chuyện về việc chúng ta có thể làm được gì cho chính mình và cho nhau, cũng như trách nhiệm mà mỗi chúng ta đều phải gánh vác nhằm gầy dựng lại tương lai mà chúng ta cùng chia sẻ. Chúng ta phải làm lại mọi thứ cùng nhau.
Những lý tưởng nền móng làm nên đất nước chúng ta, trong đó có bình đẳng và tự do cho tất cả mọi người, chưa được hiện thực hóa một cách trọn vẹn. Ở nhiều góc tối, bản thân sự tồn tại của chúng còn đang bị đe dọa. Khả năng tiếp diễn của nền dân chủ Mỹ cũng không phải thứ nghiễm nhiên ắt có.
Trên thực tế, Giấc mơ Mỹ mà dựa vào nó tôi đã sống và đặt vào nó tôi vẫn vững tin – ý niệm rằng mọi người nên được dành trao cơ hội công bằng để có thể vươn lên từ dưới đáy – đang ở ngã ba đường.
Cần có thêm nhiều người nữa có được cơ may hiện thực hóa giấc mơ đời mình, dù giấc mơ đó có khiêm nhường tới đâu hay có tham vọng tới đâu, và đã đến lúc nói về ý nghĩa của những cơ may đó đối với mỗi chúng ta. Khi sát cánh cùng nhau, chúng ta sẽ có khả năng tái hiện và hoàn thành lời hứa của đất nước, đó cũng là điều mà tôi hy vọng cuốn sách này truyền tải được.
Cuối cùng, tôi viết Vươn lên từ đáy vì tôi lạc quan về tương lai và tôi muốn chia sẻ những gì học được từ quá khứ. Tuy không phải hồi ký, nhưng nó phản ánh chân thật bằng cách nào mà những trải nghiệm sơ khởi nhất của tôi – trong đó có những điều mà tới giờ tôi mới công khai – đã ăn sâu và định hình nên cuộc đời tôi sau khi tôi rời bỏ cầu thang đó và thẳng tiến về phía Tây, băng qua mọi thứ tôi từng biết, tìm kiếm thứ mà tôi hình dung là có thể.
Và tuy đây không thuần là một cuốn sách kinh doanh, nhưng nó tìm hiểu nơi hậu trường cánh gà chuyến hành trình của một doanh nghiệp đi tìm lời giải cho câu hỏi lớn trong thời đại chúng ta: Chúng ta có thể làm được gì để thúc đẩy sự thay đổi có ý nghĩa và tạo nên tương lai đúng đắn, công bằng, và bình an mà ai ai cũng khao khát?
Tôi hy vọng Vươn lên từ đáy sẽ khơi nên ngọn lửa nào đó bên trong bạn, và biết đâu thậm chí còn thúc đẩy cả một phong trào, để bạn dang tay đón nhận tất cả những gì đúng đắn của đất nước này, đối diện với những thứ cần sửa đổi, và khám phá ra rằng chúng ta có thể tận dụng tài nguyên mênh mông cũng như những tài sản cá nhân của chúng ta theo nhiều cách mới mẻ như thế nào để phát triển chính mình cũng như nâng đỡ nhau lên tới những tầng cao vĩ đại hơn.
Không phải chỉ bằng cách tung ra tiền bạc, thời gian, và tiếng nói, mà còn bằng cách phô bày tài nghệ, năng khiếu, tầm ảnh hưởng, khả năng thấu cảm, quan hệ xã hội, tinh thần hợp tác, lòng dũng cảm, công nghệ, cũng như biến các không gian thực tế và không gian ảo mà chúng ta cùng chia sẻ thành những chốn mọi người có thể kết nối với nhau bằng sự văn minh và tôn trọng.
Chẳng ai trong chúng ta đơn thân tồn tại. Những cộng đồng khỏe mạnh và hạnh phúc trông chờ vào sự phụ thuộc lẫn nhau giữa các thành viên. Chúng ta cùng hội cùng thuyền trong cuộc đời này.
Đôi khi thật khó có thể nhìn xa hơn những thứ trước mắt chúng ta, nhất là khi sự hỗn loạn như mây đen phủ kín. Ý chí và khả năng kiến thiết tương lai nằm nơi trọng tâm điểm bắt đầu của đất nước này, và đó cũng là cách nghĩ len lỏi vào óc nhận thức của tôi từ khi tôi còn là một đứa trẻ. Lý do tại sao tôi nắm lấy ý tưởng này, và việc nó đã diễn tiến ra sao sau bao năm tháng, là hai câu chuyện song song mà cuối cùng tôi cũng đã sẵn sàng kể lại.