Gen Z – chân dung khách hàng mới của ngành du lịch. Ảnh: Phương Lâm. |
“Gen Z và công nghệ AI sẽ là làn sóng thứ 3 thay đổi ngành du lịch”, bà Hà Lâm Tú Quỳnh, Giám đốc Truyền thông Google châu Á – Thái Bình Dương, phụ trách Việt Nam phát biểu tại Hội thảo Chuyển đổi mô hình kinh doanh du lịch cập nhật xu hướng thế giới sáng ngày 4/4 tại TP.HCM.
Gen Z dẫn đầu làn sóng thay đổi
Không bùng nổ như thời kỳ hậu Covid-19, sự tăng trưởng của du lịch bắt đầu bước vào giai đoạn ổn định khi du khách không còn đi du lịch để thoả nỗi thèm. Tuy nhiên, du lịch vẫn luôn là một trong những ưu tiên hàng đầu của mỗi người.
Theo số liệu thống kê của Google trên toàn cầu, 38% người dùng tin rằng muốn có chuyến đi du lịch để đời. Du lịch không còn chỉ là những chuyến đi ngắn hạn, những chuyến vui chơi cho khuây khoả, ngày càng nhiều người muốn có chuyến đi đáng nhớ và họ đầu tư rất nhiều cho những chuyến du lịch đó.
Trong đó, Gen Z đã thực sự trở thành khách hàng của ngành du lịch chứ không còn là đối tượng mục tiêu. Không muốn sử dụng những sản phẩm đại chúng, thế hệ này thích những sản phẩm mang dấu ấn riêng, thể hiện được tính cách và sở thích cá nhân. Họ sẵn sàng chi mạnh tay cho những chuyến du lịch của mình miễn là trải nghiệm đó xứng đáng.
Theo số liệu Google thu thập được trong giai đoạn 2019-2023, xu hướng tìm kiếm của du khách đã có sự thay đổi lớn. Khách hàng không còn tìm kiếm từ khoá du lịch giá rẻ hay du lịch tiết kiệm, thay vào đó, họ quan tâm đến những chuyến đi có sản phẩm và trải nghiệm tốt nhất, với tỷ lệ tìm kiếm tăng 152%.
Chỉ qua một tấm ảnh đẹp về địa điểm du lịch, một số Gen Z sẵn sàng chi hàng nghìn USD để có chuyến du lịch đáng nhớ. Vì vậy, những trải nghiệm du lịch sang trọng, mang đậm màu sắc cá nhân sẽ là kim chỉ nam cho doanh nghiệp khi đón khách du lịch trong xu hướng mới.
Gen Z sẵn sàng chi hàng nghìn USD miễn trải nghiệm xứng đáng. Ảnh: Linh Huỳnh. |
Sinh ra cùng công nghệ, sống trong công nghệ, Gen Z thường xuyên ứng dụng mạng xã hội, AI vào trong mọi lĩnh vực cuộc sống, đặc biệt trong việc tìm kiếm và lên kế hoạch cho chuyến du lịch.
Mặc dù là đối tượng đưa ra quyết định nhanh, thế hệ này vẫn đầu tư nhiều thời gian để tự lên kế hoạch cho chuyến đi, thay vì tìm đến các công ty tư vấn du lịch, đặt dịch vụ qua các acency. Trong đó, 77% thời gian của du khách được dùng để tìm hiểu, lên kế hoạch khám phá các điểm đến, đặt phòng và mơ mộng về chuyến hành trình.
Bên cạnh đó, những điểm chạm kỹ thuật số ngày càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Đến 90% khách du lịch cho biết những điểm chạm kỹ thuật số ảnh hưởng đến quyết định chọn điểm đến, công ty, dịch vụ du lịch của họ. Theo dự đoán của Google, từ nay đến 2027, tỷ lệ tăng trưởng của du lịch trực tuyến sẽ cao gấp đôi tỷ lệ tăng trưởng của bán hàng trực tuyến.
Nếu như trước đây, du lịch tự túc thường gắn với dịch vụ đặt phòng AirBnB hay các homestay, thì sau Covid xu hướng này đã có sự thay đổi. Khách hàng muốn tận hưởng và có sự đầu tư nhiều hơn cho chuyến du lịch của mình vì vậy khách sạn trở thành hình thức lưu trú có xu hướng được ưu tiên lựa chọn.
Ngoài ra, bà Quỳnh cho biết, khách Ấn Độ trở thành lượng du khách cao nhất trên thế giới với số liệu tiếp tục tục tăng, mang đến đợt sóng mới cho ngành du lịch. Từ nay đến 2040, 80 triệu chuyến du lịch nước ngoài sẽ được người Ấn thực hiện. Vị đại diện này cho rằng Ấn Độ có thể là lượng khách thay thế hoàn toàn du khách Trung Quốc. Vì vậy các doanh nghiệp không còn chờ khách Trung Quốc quay trở lại mà phải đón đầu, bắt kịp đối tượng khách sắp tới của ngành du lịch.
Cuộc chơi mới khi AI xuất hiện
Nếu trước đây, Internet mang đến làn sóng thay đổi lớn cho ngành du lịch khi cung cấp công cụ giúp khách hàng tìm kiếm thông tin về điểm đến, dịch vụ và trải nghiệm; điện thoại hỗ trợ kết nối khách hàng đến doanh nghiệp, việc đặt dịch vụ diễn ra nhanh gọn, thì sự xuất hiện của AI đã trở thành làn sóng thứ 3 thay đổi du lịch.
Không chỉ dừng ở mức thống kê, phân loại, phân tích số liệu và đưa ra dự đoán, trí tuệ nhân tạo đã có thể tạo ra nội dung trong thời gian ngắn. Chính điều này biến AI trở thành trợ thủ đắc lực cho người trẻ, đặc biệt đối với khách du lịch tự túc.
Không cần gọi đến công ty du lịch để được tư vấn lịch trình, khách du lịch có thể yêu cầu chat bot lên kế hoạch khám phá điểm đến. Thay vì phải chờ từ 15 phút, thậm chí từ một đến vài ngày để nhận được lịch trình từ đơn vị lữ hành, với sự hỗ trợ của AI, du khách sẽ nhận được ngay lịch trình hoàn chỉnh cùng những đường link gợi ý chỉ sau khoảng 15 giây tìm kiếm.
Khách hàng trẻ có xu hướng tìm kiếm dùng AI lên kế hoạch du lịch tự túc, đặt land tour để khám phá điểm đến. Ảnh: Nguyễn Khánh Hoàng Anh. |
Bên cạnh thay đổi hành vi khách hàng, trí tuệ nhân tạo cũng đặt ra thách thức đối với các doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh du lịch. Bà Quỳnh cho biết, AI cũng không phải một mối đe doạ, nó chỉ đe doạ về mặt tính năng, hiệu suất. Vậy thì doanh nghiệp phải làm sao để tận dụng được chính công cụ này để khả năng làm việc tốt hơn.
Không cần một phòng kinh doanh, marketing để làm video quảng bá du lịch, giờ đây doanh nghiệp có thể ứng dụng trí tuệ nhân tạo để sản xuất video, tạo ra những bản nháp, từ đó có thể hoàn thiện và tăng hiệu suất công việc.
Để thích ứng trong cuộc chơi này, đại diện Google cho biết, đầu tiên các doanh nghiệp phải tìm cách tăng tần suất xuất hiện, thích nghi với bộ lọc của những công cụ tìm kiếm trên thế giới; nhân viên của các công ty phải học kỹ năng ứng dụng AI để hỗ trợ khách hàng nhanh hơn; cuối cùng sử dụng trí tuệ nhân tạo như một trợ thủ đắc lực trong tất cả các điểm chạm, từ marketing, xây dựng thương hiệu, chăm sóc khách hàng…
Qua việc tận dụng tốt nhất các nguồn lực sẵn có của công nghệ, các doanh nghiệp có thể phát triển hơn trong lĩnh vực đang hoạt động, tiếp cận đến đối tượng khách hàng mới.
Nhằm cập nhật xu thế du lịch trong nước và quốc tế, cũng như nâng cao kiến thức và năng lực tiếp thị, truyền thông cho các doanh nghiệp du lịch, Sở Du lịch TP.HCM phối hợp với Tạp chí Tri Thức – ZNews và Công ty TNHH MTV Chua Me Đất (Oxalis Adventure) tổ chức Hội thảo “Chuyển đổi mô hình kinh doanh du lịch để theo kịp xu hướng trên thế giới”.
Hội thảo có sự tham gia của lãnh đạo các Bộ, ban, ngành liên quan cùng nhiều đơn vị kinh doanh du lịch trong nước, đặc biệt là các doanh nghiệp khai thác thị trường khách quốc tế. Thông qua hội thảo, các doanh nghiệp và cơ quan quản lý sẽ cùng thảo luận và chia sẻ kinh nghiệm thích ứng với những thay đổi trên thị trường, trong đó có xu hướng chuyển đổi từ mô hình B2B thành B2C để đến gần hơn với du khách, từ đó thu hút khách du lịch đến TP.HCM nói riêng và Việt Nam nói chung. Sự kiện diễn ra ngày 4/4 tại Khách sạn Majestic TP.HCM.
Toàn bộ sự kiện được livestream trên kênh YouTube Du lịch TP.Hồ Chí Minh và dẫn lại trên Tạp chí Tri Thức – Znews.