Sân đua Go-Kart tại TP Thủ Đức có lợi thế hơn sân đua Đại Nam về chi phí, thời gian di chuyển. Ảnh: Vinh Phan. |
Sau hơn 2 năm vắng bóng tại TP.HCM, sân chơi Go-Kart đã xuất hiện trở lại tại khu vực TP Thủ Đức. Đây được xem là lựa chọn trải nghiệm Go-Kart dễ tiếp cận hơn so với việc phải di chuyển khoảng 40 km để đến trường đua Đại Nam (Bình Dương).
Tôi vừa có cơ hội trải nghiệm sân đua Go-Kart vừa khánh thành cách đây vài ngày tại TP Thủ Đức. Trước đây, tôi từng nhiều lần tập luyện Go-Kart và tham gia nhiều giải đấu Go-Kart trên sân đua Đại Nam nên có thể hiểu rõ được những khác biệt giữa 2 địa điểm này.
Mức giá dễ tiếp cận, dịch vụ vẫn cần cải thiện
Chi phí là điều mà nhiều người quan tâm đầu tiên khi tham gia bộ môn Go-Kart. Đường đua Go-Kart mới khai trương có mức giá khá hấp dẫn, chỉ tương đương khoảng 1/3 mức giá trải nghiệm trên đường đua Đại Nam. Nếu đi vào ngày trong tuần trước 17h, mỗi lượt chạy có giá 350.000 đồng, mua theo gói 3 hoặc 5 lượt mức giá sẽ rẻ hơn.
Quy trình đăng ký tốn khá nhiều thời gian. |
Để có được một suất đua kéo dài 8 phút, khách hàng cần trải qua khá nhiều quy trình, đầu tiên cần đăng ký thông tin và chụp ảnh, sau đó đến quầy mua vé rồi tiếp tục cầm vé sang quầy đăng ký giờ đua. Nếu đi vào lúc cao điểm, mỗi khách hàng mất tối thiểu khoảng 20 phút để hoàn thành được tất cả các bước trên.
Sân đua chia thành 2 khu vực ngoài trời và trong nhà. Nếu muốn trải nghiệm sân ngoài trời, khách hàng cần phải có GPLX ôtô. Trường hợp không có GPLX ôtô, khách hàng buộc phải tham gia ít nhất 1 lượt chạy ở đường chạy trong nhà, tất nhiên xe Go-Kart trong nhà có công suất yếu hơn và dùng động cơ điện thay vì động cơ xăng.
Trước thời gian đua khoảng 10 phút, khách hàng sẽ được phổ biến về các quy định liên quan đến cách điều khiển xe, an toàn trên đường chạy… Tất cả được trình bày dưới dạng video khá trực quan, phù hợp với nhiều đối tượng khách hàng từ trẻ em đến người nước ngoài.
Dù có sẵn khoảng 10 chiếc Go-Kart, mỗi lượt chạy chỉ tối đa 6 xe, nếu đi nhóm đông khách hàng buộc phải chia thành nhiều nhóm nhỏ để trải nghiệm. Ngoài dòng xe Go-Kart quen thuộc, đơn vị này còn cung cấp dòng Go-Kart 2 ghế ngồi cũng như Go-Kart dành cho trẻ em với công suất thấp hơn.
Hệ thống bấm giờ bị lỗi không hiển thị thành tích của người tham gia. |
Trong ngày tôi đến trải nghiệm, sân đua gặp phải sự cố về hệ thống bấm giờ và được nhân viên thông báo là “hệ thống bị sập”, điều này đồng nghĩa với việc thành tích chạy của tất cả khách hàng trong ngày không được cập nhật lên bảng kết quả. Sự cố này khiến nhiều khách hàng cảm thấy khó chịu khi thành tích là điều mà bất kỳ ai khi tham gia Go-Kart đều mong muốn nhận được sau mỗi lượt chạy.
Chưa lý tưởng cho người đam mê Go-Kart
Dù có cơ sở vật chất về phương tiện hay đường đua mới hơn sân đua Đại Nam, sân đua Go-Kart tại TP Thủ Đức lại không được những người chơi Go-Kart bán chuyên và chuyên nghiệp đánh giá cao.
Đường chạy dài gần 1.000 m với 15 góc cua đủ để thử thách những người chơi mới lẫn lâu năm, tuy nhiên cách thiết kế chưa thật sự tốt.
Đường chạy từ pit ra sân đua nằm ngay trên đường chạy tối ưu (racing line) khiến việc xe từ trong pit chạy ra sân khá nguy hiểm. Nếu chỉ chạy theo từng lượt như hiện tại thì đây không phải vấn đề, nhưng nếu tổ chức các giải đấu thì thiết kế đường pit out như thế này sẽ gây nguy hiểm cho các tay đua.
Bề mặt đường chạy tại một vài góc cua có độ hoàn thiện chưa tốt, khi chạy qua có thể cảm nhận rõ chiếc xe bị mất kiểm soát. Bù lại, không ít đoạn được thiết kế có độ nghiêng nhất định theo hướng vào cua, điều này giúp người lái có thể giữ tốc độ cao hơn khi chạy qua.
Về phương tiện, dòng xe Go-Kart được sử dụng tại đường đua ở TP Thủ Đức là dòng chuyên dành cho thuê (rental kart) đến từ thương hiệu Sodi. Loại xe này có tốc độ lẫn gia tốc thấp hơn khá nhiều dòng xe Go-Kart đang được sử dụng trên đường đua Đại Nam.
Lợi thế của dòng xe rental kart là được trang bị sẵn bộ khung bảo vệ cũng như có thể điều chỉnh vị trí bàn đạp lẫn ghế ngồi, mang đến trải nghiệm thoải mái và an toàn hơn cho những người mới.
Sân chơi Go-Kart mới dành cho ai?
Vào dịp cuối tuần, sân đua Go-Kart mới thu hút khá đông khách hàng, với thời gian chờ lên tới ngoài 30 phút. Đây là tín hiệu vui với các bộ môn đua xe nói chung cũng như có thể thúc đẩy phong trào đua Go-Kart nói riêng tại Việt Nam.
Nhìn chung, sân đua Go-Kart mới gần trung tâm TP.HCM có lợi thế hơn đường đua Đại Nam về mức giá, thời gian di chuyển cũng như trang thiết bị hiện đại. Đối với những người muốn thử sức lần đầu với môn thể thao tốc độ hay khả năng lái một chiếc xe đua 4 bánh, sân chơi tại TP Thủ Đức đáp ứng đủ nhu cầu.
Bạn có thể tăng tốc, vào cua, làm quen với cảm giác điều khiển một chiếc xe đua và dần học được những kỹ năng xử lý xe ở các góc cua như khi nào cần phanh, khi nào cần đạp ga, đánh lái thế nào là vừa đủ.
Với những người có kinh nghiệm đua Go-Kart, hoặc đơn giản là khi bạn đã thành thục các kỹ năng của người mới, thì sân đua này chưa đáp ứng được những thứ còn lại của bộ môn đua xe, và cần phải cải thiện hơn về chất lượng dịch vụ, cách bố trí đường đua…
Nếu là người tìm kiếm trải nghiệm chạy Go-Kart đúng nghĩa, Đại Nam vẫn là điểm đến khó có thể thay thế, và tất nhiên đi kèm là mức giá đắt đỏ hơn, ít nhất là tại thời điểm này.
Hi vọng sân đua Go-Kart mới tại TP Thủ Đức với những lợi thế về ví trí gần trung tâm TP.HCM sẽ tiếp tục được cải thiện về mặt chất lượng để vừa phục vụ được cho đối tượng khách hàng “đi cho biết” và cả những khách hàng đã quen với Go-Kart.
Khi hoàn thiện hơn về mặt đường đua và dịch vụ, đi kèm với việc tổ chức một số giải đua có tính cạnh tranh cao, đây có tiềm năng sẽ trở thành điểm đến thú vị cho những người mê tốc độ và từ đó giúp phong trào đua Go-Kart thêm phát triển tại Việt Nam.
Sách hay đọc trên xe
Chuyên mục Xe gửi tới độc giả những tựa sách hay với nhiều chủ đề hấp dẫn. Trên những chặng hành trình với những chiếc xe, không hiếm khi chúng ta có những khoảnh khắc nghỉ ngơi, thư giãn, và những trang sách là người bạn đồng hành lý thú.