Mảnh sân nhà tập thể

San nha tap the anh 1

Mảnh sân khu tập thể chứa đựng nhiều ký ức đẹp của một thời đã quan. Ảnh: D.V.

Dĩ nhiên là khái niệm tập thể mới sinh ra từ sau hòa bình 1954 ở miền Bắc. Khái niệm nhà tập thể hình thành ở Hà Nội khi những biệt thự cũ vắng chủ hoặc chủ hiến cho nhà nước được phân chia cho cán bộ công nhân viên chức. Rất nhanh chóng sau đó chỉ vài năm là các khu tập thể Kim Liên, Nguyễn Công Trứ ra đời. Mô hình này còn được nhân rộng vào thập kỷ 70 với các khu Trương Định, Trung Tự, Văn Chương, Thành Công, Giảng Võ…

Nhà tập thể đầu tiên ở phố không được thiết kế cho nhiều gia đình sinh sống. Người thuê thường chỉ sử dụng một phần diện tích trong căn buồng của mình. Tất cả những khu vực khác từ hành lang, cầu thang, khu vệ sinh, nhà tắm, bếp đun và mảnh sân đều là của tập thể. Những ngôi nhà có kết cấu hiện đại hơn còn có cả sân thượng cũng nằm trong diện không gian tập thể.

Làm thế nào để sử dụng được một mảnh sân tập thể là chuyện phải bàn bạc thống nhất khá lâu ở tổ dân phố. Trong một khối phố có nhiều tổ dân phố và cũng có nhiều nhà tập thể theo cách phân chia như vậy. Người ta phải họp bàn để đi đến thống nhất tuyệt đối, phải tôn trọng những phần diện tích tập thể.

Đại khái sân chung có bể nước để rửa rau vo gạo chỉ được sử dụng khi có việc cơm nước bát đũa. Chuẩn bị bữa ăn xong phải mang vào bếp chung hoặc về nhà mình nấu nướng. Ăn xong mang bát ra rửa, dồn cơm canh vào vại nước gạo tập thể.

Cái vại nước gạo thần thánh ấy hàng ngày có người đều đặn đến lấy mang về nuôi lợn. Cuối tháng người xin nước gạo lại mang đến vài cái chổi quét sân kiểu như trao đổi hàng hóa. Những cái chổi ấy cũng chỉ dùng để quét mảnh sân chung và công trình vệ sinh. Không ai được phép mang nó về nhà mình.

Mảnh sân thượng nếu có sẽ là cái sân phơi tập thể. Tài sản của mỗi gia đình trên ấy chỉ là một sợi dây thép tự chăng. Quần áo phải phơi đúng dây nhà mình nếu như không muốn bị rút nhầm.

Một ngôi nhà tập thể như thế không tránh khỏi những lúc có cỗ bàn. Người ta nhường nhau chỗ ngồi làm cỗ một cách tự giác. Gia đình có cỗ bàn cũng nhanh chóng thu dọn để trả lại mảnh sân cho tập thể khi đã xong việc nhà mình. Sống với nhau độ chục năm sau thì cả khu nhà thuộc lịch giỗ chạp của hàng xóm. Họ biết trước như thế và chuẩn bị cơm nước nhà mình từ sớm để nhường chỗ cho gia đình có việc.

Mảnh sân chung còn là nơi giặt giũ quần áo. Đôi khi cánh đàn ông và trẻ con còn có thể đứng tắm ở đấy. Buồng tắm thường nhường cho đàn bà. Đàn ông và trẻ con chỉ dùng nó để thay quần áo khi tắm xong. Đàn bà ngày ấy khi tắm thường hay hát. Không chỉ để những khán giả bên ngoài nghe mà còn để kéo dài thời gian thư giãn trong nhà tắm.

Tuy nhiên nhiều chị lợi dụng việc này để hát những bài dài cỡ Trước ngày hội bắn (Trịnh Quý). Và còn giả cả giọng đàn ông trong ấy khiến hàng xóm không nỡ giục giã. Hát tình ca thế thôi như trai gái ở phố hiếm khi thành thân với người ở cùng số nhà tập thể. Ít ra thì việc “Môn đăng hộ đối” ở nhà tập thể là không tìm đâu ra được.

Người ở mặt phố chắc chắn có địa vị xã hội hoặc giàu hơn những người ở phía trong. Nhưng hơn hết nếu có thành thân thì sẽ phải bỏ qua giai đoạn “tìm hiểu” vì đã quá hiểu về nhau. Mà giai đoạn này hình như là quan trọng nhất trong mọi cuộc hôn nhân chẳng cứ gì thời bao cấp.