“Con thấy vui nhất là khi được học cùng cô Hoa chủ nhiệm”, “Con thấy vui khi được chơi trò chơi”, “Con vui khi được cô khen”…
Đó là những chia sẻ của các em nhỏ 10 tuổi, học sinh trường Tiểu học Việt Nam Cu Ba khi nhận được câu hỏi “Hoạt động nào trong ngày khiến con vui, hạnh phúc nhất?”.
Để giúp cho người lớn có thể trở nên vui vẻ hơn, cười nhiều hơn, các em học sinh còn đưa ra những gợi ý “chơi cùng ông bà, người lớn tuổi”, “hãy suy nghĩ tích cực, vui tươi lên” hay “dành thời gian đi chơi với con cái”.
Những định nghĩa, chia sẻ đơn giản, hồn nhiên của các cô bé cậu bé 10 tuổi phần nào cũng cho thấy những suy nghĩ đa dạng về khái niệm “hạnh phúc” và cách để có thể trở nên hạnh phúc hơn.
“Bàn về hạnh phúc” cũng là chủ đề tọa đàm được Thái Hà Books tổ chức ngày 1/4 tại Hà Nội, nhân dịp giới thiệu các cuốn sách của Giáo sư Hà Vĩnh Thọ – Chủ tịch Học viện Eurasia về Hạnh phúc và An lạc.
Hạnh phúc là gì?
Chia sẻ tại sự kiện, trong khi TS Nguyễn Mạnh Hùng – Chủ tịch HĐQT Thái Hà Books – cho rằng hạnh phúc là một loại nước hoa, GS Hà Vĩnh Thọ lại nói hạnh phúc là một loại năng lực có thể học được.
“Hạnh phúc” với GS Hà Vĩnh Thọ là một khái niệm có hai tầng nghĩa. Thứ nhất, ở phần hời hợt, nông cạn, đó là sự thỏa mãn các khoái lạc, những nhu cầu cá nhân. Ở tầng này là màu sắc cá nhân nên không thể có mẫu số chung cho mọi người về hạnh phúc.
GS Hà Vĩnh Thọ (sơ mi trắng) và ông Nguyễn Mạnh Hùng cùng các em học sinh Tiểu học Việt Nam Cu Ba tại sự kiện chiều 1/4. |
Ở tầng sâu hơn, hạnh phúc được xây dựng dựa trên 3 khía cạnh:
Thứ nhất là mỗi người cảm thấy mình sống có sự nhất quán với con người bên trong, cuộc sống bên ngoài là một sự biểu đạt, bày tỏ của những giá trị và sự chí nguyện của mình. Điều đó đòi hỏi sự rèn luyện về mặt tâm trí và ta cần thực hành nó.
Khía cạnh thứ hai là việc ta có năng lực quan tâm và sống hài hòa với người khác. Điều này có nghĩa là ta có năng lực xây dựng những mối quan hệ có ý nghĩa và lâu dài, bền vững dựa trên sự tôn trọng với nhau.
“Chúng ta đã có rất nhiều nghiên cứu khoa học chứng minh được một điều, rằng chất lượng của mối quan hệ là một trong những nhân tố mang tính quyết định đến hạnh phúc của một đời người. Những kỹ năng về xây dựng mối quan hệ này, những kỹ năng liên quan đến xã hội ta cũng có thể đào tạo, dạy cho trẻ được”, ông nói.
Khía cạnh thứ 3 của hạnh phúc là ta quan tâm, sống hài hòa nương tựa vào thiên nhiên vì chúng ta đang sống trong một thời đại đối diện những thách thức, khủng hoảng về sinh thái. Vì vậy, chúng ta phải nuôi dạy một thế hệ mới, thế hệ tương lai có năng lượng và tâm thế trong việc yêu thương đất mẹ. Vì nếu đất mẹ bị hủy hoại, ngôi nhà của ta bị hủy hoại thì ta, nhân loại cũng sẽ không có tương lai.
Theo GS Hà Vĩnh Thọ, tất cả kỹ năng của 3 khía cạnh này có thể dạy được, học được nhưng để làm được việc đó, chúng ta cần xây dựng môi trường có tính kiến tạo cho những kỹ năng này nảy nở.
“Điều này có nghĩa chúng ta phải xây dựng những hệ thống, quy trình, yếu tố về mặt cơ sở vật chất, về mặt hệ thống xã hội, thực sự phụng sự cho việc học và dạy này. Đó là lý do chúng ta cần phải chạm tới và bắt tay với khối tư, tức là những khối doanh nghiệp về kinh tế, bởi khi chúng ta không làm việc với những tổ chức doanh nghiệp về kinh tế, ta sẽ không thay đổi được hệ thống và xã hội của mình vì họ đóng một vai trò rất quan trọng trong kiến thiết yếu tố về kinh tế xã hội”, giáo sư chia sẻ.
Xây dựng hạnh phúc
Trong khuôn khổ tọa đàm cũng giới thiệu 3 cuốn sách của GS Hà Vĩnh Thọ, giúp người đọc tiếp cận hạnh phúc dưới các góc độ khác nhau là Happy Organizations (sách tiếng Anh, tạm dịch tựa: Những tổ chức hạnh phúc), Happy Children (tạm dịch: Những đứa trẻ hạnh phúc) và Happy School (tạm dịch: Những trường học hạnh phúc).
Với Happy Organizations, cuốn sách trình bày một cách tiếp cận đột phá để định nghĩa lại thành công trong thế giới doanh nghiệp. Lấy cảm hứng từ triết ký tổng thể của Tổng Hạnh phúc Quốc gia (GNH) do Vương quốc Bhutan tiên phong, cuốn sách thách thức các thước đo kinh doanh thông thường vốn ưu tiên lợi ích kinh tế hơn hạnh phúc.
Ba cuốn sách của GS Hà Vĩnh Thọ. |
Câu chuyện được mở ra qua con mắt của các nhà lãnh đạo và tổ chức có tầm nhìn xa, những người đã mạnh dạn tích hợp các nguyên tắc GNH vào văn hóa doanh nghiệp của họ, minh họa cho hành trình hướng tới một văn hóa hạnh phúc, nơi coi trọng hạnh phúc của nhân viên, xã hội và môi trường ngang bằng với thành về mặt tài chính. Ấn phẩm cũng cung cấp một lộ trình cho các nhà lãnh đạo và doanh nghiệp sẵn sàng bước vào con đường chuyển đổi, thúc đẩy sự cân bằng giữa thành tích vật chất và những khía cạnh sâu sắc hơn của hạnh phúc.
Với Happy Children, cha mẹ sẽ có điểm tựa để hiểu và có phương pháp để nuôi dạy con trong hạnh phúc. Trẻ em như miếng bọt biển, dù ở trong môi trường nào, trẻ cũng sẽ hoàn toàn đắm mình trong môi trường đó, không có bộ lọc, không có sự lựa chọn. Toàn bộ xung quanh đều có tác động sâu sắc, thậm chí có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của não bộ và các cơ quan khác.
Happy Schools lại phác họa những đường nét của một trường học hạnh phúc, bắt đầu với những mối quan hệ trong cộng đồng nhà trướng và tâm thế tích cực của người thầy, cải thiện điều kiện làm việc cho giáo viên, trang bị những thực hành và kỹ năng giúp giáo viên an lạc, và rồi kiến tạo một môi trường học tập an toàn, thân thiện, ấm áp, nuôi dưỡng sự an lạc, tính kiên cường và trí tò mò ở học sinh. Cuốn sách giúp giáo viên nhìn thấu suốt những cấu trúc và quy định giáo dục đã chi phối tâm trí ta, giúp ta khám phá điều cốt lõi của viện cải thiện chất lượng giáo dục.
Đọc được sách hay, hãy gửi review cho ZNews
Bạn đọc được một cuốn sách hay, bạn muốn chia sẻ những cảm nhận, những lý do mà người khác nên đọc cuốn sách đó, hãy viết review và gửi về cho chúng tôi. ZNews mở chuyên mục “Cuốn sách tôi đọc”, là diễn đàn để chia sẻ review sách do bạn đọc gửi đến qua Email: [email protected]. Bài viết cần gửi kèm ảnh chụp cuốn sách, tên tác giả, số điện thoại.
Trân trọng.