Chiều 31/3, tại TP Đà Lạt và huyện lân cận là Lạc Dương (Lâm Đồng) xuất hiện cơn mưa lớn, kéo dài khoảng 45 phút.
Đây là “mưa vàng” quý giá bởi thời gian gần đây, khí hậu Đà Lạt trở nên nóng bức khiến không chỉ du khách và người dân địa phương cũng cảm thấy bức bối.
Mưa đá ở Đà Lạt |
Tuy nhiên, một số khu vực ở TP Đà Lạt xuất hiện mưa đá khiến nhà vườn vất vả ứng phó.
Các tuyến đường Yersin, Nguyễn Trãi, Trần Quốc Toản… xảy ra tình trạng nước mưa không thoát kịp, gây úng cục bộ một số đoạn khiến các phương tiện di chuyển gặp ít nhiều khó khăn.
Tương tự, tại huyện Lạc Dương, nhiều tháng qua thời tiết khô hạn khiến một số khu vực thiếu nước sinh hoạt. Nguồn nước để tưới cho cây trồng càng khan hiếm hơn.
Thượng nguồn hồ Đan Kia, nơi cung cấp nước để sản xuất nước sinh hoạt cho TP Đà Lạt và một phần huyện Lạc Dương gần như kiệt nước.
Một đoạn trên đường Trần Quốc Toản bị ngập. |
Trước tình hình đó, cơn mưa trái mùa (giữa mùa khô) kéo dài gần một tiếng đồng hồ vào đầu giờ chiều 31/3 ở địa bàn thị trấn Lạc Dương (huyện Lạc Dương) và các xã lân cận khiến nhiều nhà vườn vui mừng. Không chỉ người sản xuất rau hoa mà các nông hộ trồng bơ, cà phê… cũng rất phấn khởi bởi các loại cây này đang ra hoa, cần được tưới nước để phát triển, kết trái.
Tuy nhiên, những cơn mưa trái mùa hay vào đầu mùa mưa ở TP Đà Lạt và huyện Lạc Dương thường xuất hiện mưa đá. Những người trồng rau, hoa cần có biện pháp che chắn để ngăn ngừa thiệt hại.
Trước đó, chiều 28/3, đã xuất hiện mưa trái mùa ở một số huyện như Di Linh, Bảo Lâm, Đạ Huoai, Cát Tiên… khiến khí hậu bớt nóng bức, bổ sung lượng nước quý giá cho các loại cây trồng, vật nuôi, nhất là các vườn cà phê, trái cây…
Theo Sở NN&PTNT Lâm Đồng, do tình trạng nắng nóng kéo dài từ đầu năm đến nay đã làm giảm nguồn cấp nước cục bộ, ảnh hưởng tới quá trình sinh trưởng bình thường của hàng ngàn héc ta cây trồng trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là huyện Lâm Hà.