Mỗi vết tích đều mang giá trị lịch sử, kể về hành trình của chiếc đồng hồ qua nhiều năm tháng. Ảnh minh họa: Bob’s Watches. |
“Đánh bóng vỏ hay thay mặt số mới có thể hủy hoại ‘linh hồn’ của đồng hồ”, Jeffrey Binstock (62 tuổi), nhà sưu tầm đồng hồ, cựu giám đốc truyền thông ở New York (Mỹ), nói với The Wall Street Journal.
Binstock chia sẻ niềm yêu thích đặc biệt dành cho những chiếc đồng hồ đã “sống” qua nhiều thập kỷ. Ông cho rằng những vết trầy xước, lõm móp hay các vết rạn trên mặt đồng hồ không khiến ông phiền lòng. Ngược lại, đó là vẻ đẹp của thời gian trên những cỗ máy đeo tay.
Một chiếc đồng hồ cũ “sờn rách” đôi khi lại mang lại cảm giác hoài cổ, phong cách cổ điển độc đáo, như một chiếc quần Levi’s bạc màu.
Sở hữu một chiếc đồng hồ cũ chất lượng không chỉ là tuyên ngôn về phong cách mà còn là sự trân trọng những giá trị thời gian. Ảnh minh họa: Spacetime Vintage Watch. |
Cũ nhưng không hỏng
Những tín đồ thời trang như Christopher Bastin, Giám đốc sáng tạo người Thụy Điển của thương hiệu thời trang Gant, hay nhà tạo mẫu Julian Ganio tại London đều yêu thích vẻ đẹp “tàn phai” của đồng hồ cũ.
Bastin thường xuyên sử dụng chiếc Rolex Submariner, cỗ máy được sản xuất từ những năm 70, dù mặt đồng hồ đã bị trầy xước. Trong khi đó, Ganio trân trọng chiếc Rolex Day-Date bằng bằng vàng nguyên khối, dù đồng hồ đã sờn cũ, bởi cỗ máy này mang dấu ấn thời gian như chính phong cách của ông.
“Mục tiêu là tìm kiếm một chiếc đồng hồ hoạt động tốt, không phải một cỗ máy cũ nhưng bị hỏng”, Dylan Lewis, nhà sáng lập cửa hàng chuyên bán đồng hồ cổ Goldfinger’s Vintage, chia sẻ.
Theo ông, người sưu tầm có thể chấp nhận được vết trầy xước, móp méo nhẹ hoặc đổi màu theo thời gian. Nhưng hãy cẩn trọng với các vết nứt trên mặt kính vì chúng có thể ảnh hưởng đến khả năng chống nước của đồng hồ.
Việc sở hữu một chiếc đồng hồ cũ không đồng nghĩa với “cũ kỹ” một cách tùy tiện. Ảnh minh họa: F.Martin Ramin. |
Tương tự, kim đồng hồ bị cong vênh hoặc mặt số biến dạng cũng có thể ảnh hưởng đến bộ máy và khả năng xem giờ. Tốt nhất, hãy tránh những chiếc đồng hồ có bộ phận lỏng lẻo, điển hình như tiếng kim lách cách là dấu hiệu cần tránh xa.
Bên cạnh tình trạng của đồng hồ, nguồn gốc cũng là yếu tố then chốt. Theo Eric Wind, nhà buôn đồng hồ cổ ở Palm Beach (Florida, Mỹ), thị trường này tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Ông từng gặp những chiếc đồng hồ “Frankenstein”, ám chỉ việc được lắp ghép từ nhiều bộ phận không chính hãng. Ngoài ra, nhà buôn đồng hồ nhấn mạnh việc xem xét giá thành trước khi xuống tiền, tránh tình trạng “trả giá cắt cổ” cho những chiếc đồng hồ không xứng đáng.
Trong thế giới đồng hồ, một số khuyết điểm lại là ưu điểm khiến giá trị sản phẩm tăng cao. Ảnh minh họa: Spacetime Vintage Watch. |
Điểm đến uy tín
Theo The Wall Street Journal, Watchfinder, thuộc sở hữu của tập đoàn xa xỉ Richemont, là một địa chỉ đáng tin cậy cho các mẫu đồng hồ cũ.
Tuy nhiên, nếu muốn có trải nghiệm thú vị hơn, người sưu tầm nên tìm đến các “nhà buôn” uy tín như Eric Wind, Dylan Lewis hay David Silver, chủ sở hữu công ty Vintage Watch tại London (Anh).
Giá cả của các cỗ máy cũ phụ thuộc nhiều yếu tố như độ hiếm, nguồn gốc và xu hướng thị trường.
Nhìn chung, một chiếc đồng hồ cổ điển nguyên bản sẽ đắt hơn một chiếc đã xuống cấp. Tuy nhiên, mức độ “tàn phai” đôi khi lại có thể khiến giá trị tăng cao.
David Silver chia sẻ rằng gần đây ông đã bán một chiếc Cartier Santos với vỏ thép xước nhẹ với giá 4.350 USD, trong khi mẫu mới hoàn toàn có giá từ 5.000-6.000 USD.
Ông Silver cho biết mặt đồng hồ “nhiệt đới” (tropical dials) là những mặt số hiếm gặp. Dấu ấn thời gian của mặt số thể hiện qua việc mặt đồng hồ đổi màu từ đen sang tím nhạt, nâu đậm, thậm chí có những đốm và vết rạn lạ mắt. Nhưng những dấu hiệu “hư hại” này lại khiến giá cả đồng hồ tăng vọt.
Còn đối với Binstock, việc đeo một chiếc đồng hồ cũ với những vết tích thời gian là một thú vui cá nhân. Chỉ chủ nhân mới biết được những câu chuyện ẩn sau mỗi vết trầy xước. Và điều quan trọng là chiếc đồng hồ đó không cần “phô trương” trên cổ tay.
Xu hướng thời trang bền vững tăng dần qua các năm
Bắt đầu từ khoảng năm 2014, số lượt tìm kiếm “quần áo giá rẻ” bắt đầu giảm mạnh, trong khi cùng thời điểm này, số lượt tìm kiếm “quần áo bền vững” tăng mạnh. Trong cuốn Thế giới không rác thải, tác giả Ron Gonen cho rằng sự chú ý vào xu hướng phát triển bền vững trong ngành thời trang đang tăng đột phá dưới sự mở đường của những nhà tiên phong trong lĩnh vực thời trang bền vững như Stella McCartney, Eileen Fisher và Yvon Chouinard của Patagonia.