Thời gian qua, quốc lộ 14 đoạn qua Đắk Lắk khiến cánh tài xế ngao ngán, ám ảnh trước số lượng xe công nông, tập lái di chuyển thường xuyên và dày đặc với tốc độ “rùa bò”.
Xe công nông ì ạch trên quốc lộ. |
“Bò” ì ạch trên quốc lộ
Sau thời gian dài di chuyển trên tuyến Quốc lộ 14, đoạn qua tỉnh Đắk Lắk, VTC News liên tục bắt gặp hình ảnh xe công nông, xe tự chế vô tư “chiếm đường” và di chuyển “rùa bò” chắn tầm nhìn.
8h30 ngày 30/1, tại khu vực thuộc xã Cư Né, huyện Krông Búk, hai xe công nông tự chế nối đuôi ì ạch suốt quãng đường dài. Do xe công nông di chuyển với tốc độ chậm nên các xe tải, ô tô phía sau phải lẽo đẽo bám theo.
Đoàn dài ô tô gồm xe con, xe tải nối đuôi nhau với tốc độ dưới 30 km/h không dám vượt bởi giữa đường là vạch kẻ liền.
Tình trạng này không phải mới xuất hiện mà đã được các tài xế bức xúc phản ánh từ nhiều năm qua.
Nhiều tài xế đi trên QL14 hãi hùng khi đụng xe công nông, xe tự chế. |
Ông Nguyễn Duy Tâm (56 tuổi, trú TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) cho hay, sáng 30/1, ông có việc gấp phải sang TP Pleiku (tỉnh Gia Lai). Tuy nhiên khi đi tới đoạn xã Chứ K’Bô (huyện Krông Búk), gần nửa tiếng đồng hồ, ông phải lái xe với tốc độ 25km/h vì phía trước là chiếc xe công nông đang ngáng đường.
“Tôi thường xuyên di chuyển qua lại giữa 2 thành phố của Đắk Lắk và Gia Lai nên không còn lạ lẫm với chướng ngại vật mang tên xe công nông tự chế. Việc phải chạy với vận tốc 25 km/h suốt quãng đường dài đã không ít lần khiến tôi lỡ việc”, ông Tâm bức xúc nói.
Xe công nông rùa bò từ lâu cũng là nỗi ám ảnh của anh T.Q. (27 tuổi) – tài xế xe tải chở hàng thường xuyên chạy trên tuyến Quốc lộ 14. Theo anh Q., lực lượng CSGT thường xuyên làm gắt lỗi lấn vạch hoặc vượt nơi có vạch liền nên các phương tiện ô tô đi qua đây không dám vi phạm. Bởi thế, khi xuất hiện một chiếc xe công nông trên đường, lại xảy ra tình huống cả đoàn ô tô phải ì ạch theo sau.
Không ít ý kiến đặt câu hỏi: Nếu CSGT làm nghiêm với lỗi lấn vạch liền thì sao lại để loại xe bị cấm di chuyển trên quốc lộ như công nông ngang nhiên tung hoành, gây ảnh hưởng đến giao thông?
Xe tập lái gây khó khăn cho các phương tiện khi lưu thông. |
Nỗi ám ảnh mang tên xe tập lái
Ngoài xe công nông tự chế, nhiều tài xế còn bày tỏ bức xúc trước số lượng xe tập lái di chuyển thường xuyên và dày đặc trên quốc lộ 14. Những chiếc ô tô con gắn chữ “tập lái” bon bon lưu thông giữa đường quốc lộ, mặc cho đoàn dài phương tiện phía sau nối đuôi nhau, muốn vượt cũng không được, muốn dừng cũng không xong.
Anh Đoàn Việt Dũng (32 tuổi, ngụ tỉnh Đắk Lắk) cho biết giờ nào ra đường cũng thấy xe tập lái. Đường cho phép chạy 70-80 km/h mà xe tập lái chỉ chạy 30-40 km/h, gây khó khăn cho các phương tiện khác khi lưu thông.
Không những anh Dũng mà nhiều tài xế khác mỗi lần đi trên QL14 miệng thường hay “cầu trời khấn phật”, mong cho đừng thấy bóng dáng xe công nông, xe tập lái vì rất sợ cảnh phải bò theo các xe này với tốc độ 20-30km/h.
“Tôi đã từng bị CSGT phạt lỗi lấn làn khi vượt chiếc xe tập lái đang chạy với vận tốc như xe đạp. Từ đó trở đi, tôi đành nuốt cục tức và chấp nhận theo sau các xe công nông tự chế, xe tập lái để tránh dính phạt.
Cánh tài xế chúng tôi cũng mong muốn lực lượng chức năng linh động cho những người tham gia giao thông. Xe công nông hay xe tập lái chạy trên quốc lộ khiến cả đoàn xe bị ùn ứ thì CSGT cũng nên xem xét không xử phạt nếu vượt xe trong điều kiện an toàn” – anh Dũng chia sẻ.
“Không có chuyện xe mồi”
Thượng tá Nguyễn Viết Hải, Phó trưởng Phòng Cảnh sát Giao thông Công an tỉnh Đắk Lắk cho biết, trên tuyến QL14 đoạn đi qua tỉnh Đắk Lắk, đơn vị bố trí 4 Tổ CSGT thường xuyên tuần tra khép kín địa bàn để góp phần bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trên tuyến.
Liên quan đến tình trạng “xe mồi” hay gài người đi đường như người dân phản ánh, Thượng tá Nguyễn Viết Hải khẳng định không có.
Phó trưởng Phòng CSGT cho biết, lãnh đạo Phòng CSGT thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở cán bộ, chiến sĩ chấp hành nghiêm quy trình tuần tra kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm là nguyên nhân dẫn đến tai nạn giao thông.
“Trong nhiều năm qua, Phòng CSGT không nhận được bất cứ thông tin phản ánh nào của người dân cũng như lái xe về tình trạng xe mồi hay gài người đi đường. Phòng CSGT đã công khai số điện thoại đường dây nóng, các trang thông tin đại chúng của đơn vị, do vậy nếu người dân, lái xe tham gia giao thông nếu phát hiện hoặc đủ căn cứ xác định có tình trạng xe mồi hay gài người đi đường thì cung cấp thông tin đến đơn vị, chúng tôi cam đoan sẽ xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật” – Thượng tá Nguyễn Viết Hải nói.
Cũng theo Thượng tá Nguyễn Viết Hải, tại tỉnh Đắk Lắk, phương tiện xe máy cày, xe máy kéo, xe công nông đóng một vai trò quan trọng trong sản xuất nông nghiệp, phát triển kinh tế gia đình. Với địa hình đồi núi hiểm trở, việc vận chuyển hàng hóa nông sản gặp nhiều khó khăn, không nhiều phương tiện có thể hoạt động trên các địa hình này. Hiện nay vẫn chưa có phương tiện nào có thể thay thế được xe máy cày, máy kéo và xe công nông tại địa bàn tỉnh Đắk Lắk.
“Phòng CSGT đang triển khai tuyên truyền, vận động nhân dân lắp đặt đèn chiếu sáng, đèn tín hiệu, gương, còi cho xe máy cày nhằm nâng cao chất lượng an toàn cho xe máy cày cũng như kiềm giảm các vụ tai nạn giao thông có liên quan đến phương tiện này” – Phó trưởng Phòng CSGT Công an tỉnh Đắk Lắk thông tin.
Quốc lộ 14 dài 980 km, là tuyến giao thông huyết mạch qua các tỉnh Tây Nguyên, đồng thời kết nối Tây Nguyên với Bắc Trung Bộ và Đông Nam Bộ. Quốc lộ 14 xuyên nhiều địa hình nhất và là quốc lộ dài thứ 2 của nước ta sau quốc lộ 1A. Quốc lộ 14 (tuyến đường Hồ Chí Minh) đoạn đi qua tỉnh Đắk Lắk bắt đầu từ Km 1668 (Cầu 110, huyện Ea H’leo) và kết thúc tại Km 1793 + 900 (Cầu 14, TP.Buôn Ma Thuột), có chiều dài hơn 125 km.