Trà sữa thịt heo Mông Cổ được lòng nhiều thực khách Việt, đặc biệt là giới trẻ. Ảnh: Trúc Hồ. |
Trên mạng xã hội, các video review về trà sữa thịt heo Mông Cổ liên tục xuất hiện ở mục xu hướng, khơi dậy sự tò mò của nhiều thực khách. Khoảng 18h mỗi ngày, quán trà sữa nhỏ nằm ở góc đường Hoàng Sa – Trần Văng Đang (quận 3) bắt đầu nhộn nhịp. Bếp nướng đỏ lửa, chỗ ngồi trên vỉa hè lấp kín và các lọ nguyên liệu dần vơi đi.
Sau giờ tan ca, Mai Tú Anh (24 tuổi, sống tại quận Tân Bình) chạy xe thẳng đến quán, gọi một ly trà sữa thịt heo Mông Cổ. Chần chừ vài phút, cô mới uống ngụm đầu tiên.
“Tôi thấy món này trên TikTok mấy ngày nay nhưng chưa dám thử. Bạn bè rủ không ai đi cùng nên tôi đành đi một mình. Nhân viên mang trà sữa đến bàn, tôi phải ngó nghiêng thật kĩ rồi mới uống. Hương vị rất lạ miệng, tôi chưa thử qua ở đâu”, Tú Anh chia sẻ với Tri Thức – Znews.
Biến tấu từ lẩu
Cách đây vài tháng, món trà sữa thịt kho trứng đến từ một thương hiệu cà phê nổi tiếng từng gây xôn xao ở TP.HCM. Tuy nhiên, hương vị lại đi ngược với khẩu vị số đông. Đến khi trà sữa thịt heo Mông Cổ xuất hiện, thực khách vẫn mang tâm lý e ngại.
Bên dưới những video review, không khó để nhìn thấy loạt bình luận như “nghe tên hơi hoang mang”, “đi ngang nhiều lần nhưng chưa dám thử”, “trà sữa có nấu với thịt heo thật không?”, “liệu có giống trà sữa thịt kho trứng trước đây?”…
La Phúc Khang mở bán trà sữa thịt heo với mong muốn giới thiệu nét ẩm thực độc đáo của Mông Cổ. Ảnh: Trúc Hồ. |
Theo La Phúc Khang (26 tuổi), chủ quán, trà sữa thịt heo chế biến dựa trên công thức của món lẩu sữa Mông Cổ và suutei tsai – loại trà sữa mặn truyền thống được người dân nơi đây uống thay nước mỗi ngày.
“Ẩm thực Mông Cổ có nhiều món làm từ thịt và chất béo động vật vì khí hậu lục địa khắc nghiệt. Tôi vô tình biết món lẩu sữa gồm thịt bò, xương ống, hạt ý dĩ, bơ, muối nấu cùng trà và sữa. Trước đó, tôi có đặt trà sữa Mông Cổ dạng đóng hộp về uống thử, thấy hương vị lạ và hay nên nảy ra ý định biến tấu thành món uống quen thuộc với người Việt”, anh nói.
Trước khi mở bán, Phúc Khang nghiên cứu thật kĩ, tinh chỉnh để phù hợp với người Việt, nhưng vẫn giữ lại hương vị cốt lõi của món gốc: hầm từ thịt, vị béo mặn và ít ngọt.
Loại thức uống mới lạ này được biến tấu từ lẩu sữa và suutei tsai, giữ nguyên phương pháp hầm nóng già đặc trưng trong ẩm thực Mông Cổ. Ảnh: Trúc Hồ. |
Anh cho biết: “Với lẩu sữa, người Mông Cổ cho nhiều thịt tươi. Còn suutei tsai chỉ có vị mặn. Nếu chế biến giống món gốc 100%, người Việt rất khó uống. Tôi dùng thịt heo gác bếp khô, loại ép miếng để át mùi đặc trưng của thịt, đồng thời gia giảm lượng muối, cho thêm đường đỏ để trung hòa vị. Các nguyên liệu đều nhập từ Mông Cổ”.
Trà sữa thịt heo Mông Cổ được hầm nóng bằng bình gốm trong 10 phút. Hạt ý dĩ và thịt heo khô rang trước cùng bơ đến khi vàng thơm, sau đó lần lượt cho đường đỏ, trà olong, sữa bò, sữa dê, sữa ngựa và một ít muối hồng.
Ngoài ra, trong thực đơn còn có một số món như trà sữa tam hoa, trà sữa đại mạch, trà sữa kiều mạnh nâu để phục vụ những thực khách chưa thích nghi được với hương vị của trà sữa thịt heo.
Hương vị gây bất ngờ
Khi nghe trà sữa kết hợp với thịt heo, đông đảo thực khách tìm đến vì tò mò, cùng với đó là sự e dè. Nhưng hương vị lại gây nhiều bất ngờ.
Theo ghi nhận của Tri thức – Znews, ngoài giới trẻ, những gia đình có con nhỏ và người ở độ tuổi trung niên cũng ghé mua đông đúc. Mỗi ly có giá 45.000 đồng.
Trà sữa thịt heo chinh phục được thực khách ở nhiều lứa tuổi. Ảnh: Trúc Hồ. |
Nguyễn Thiên Tài (21 tuổi, sống tại quận 3) đến thử trà sữa thịt heo lần đầu vì thấy nhiều review trên mạng xã hội. Trong hình dung của anh, món uống này sẽ đậm mùi thịt, nhưng hương vị lại hợp khẩu vị bất ngờ.
“Trà sữa không khó uống như tôi nghĩ. Hương vị khác hoàn toàn so với những loại trà sữa trên thị trường. Độ ngọt thanh dễ chịu, độ béo cũng vừa phải, để lại chút ngậy trên đầu lưỡi. Hạt ý dĩ được rang xém nên dậy lên mùi thảo mộc”, Thiên Tài miêu tả và cũng cho rằng vị mặn của trà sữa rất hợp để uống cùng thịt heo khô.
Thiên Tài (áo xám) và Minh Ngọc (áo trắng) đều dành nhiều lời khen cho trà sữa thịt heo Mông Cổ. Ảnh: Trúc Hồ. |
Đồng cảm nhận, Trần Minh Ngọc (21 tuổi, sống tại quận 3), người bạn đi cùng với Thiên Tài, dành nhiều lời khen cho món uống này.
“Lần đầu tiên tôi thấy trà sữa có bơ động vật. Khi uống phải khuấy đều vì bơ nóng chảy tạo thành lớp váng trên mặt. Các nguyên liệu kết hợp vừa vặn, uống ngụm đầu vẫn còn hơi hoang mang nhưng càng uống càng ‘dính’. Trước đây, tôi chỉ uống trà sữa ngọt, giờ thử qua trà sữa mặn cũng khá thú vị”, anh nói.
Vượt 8 km từ quận Gò Vấp, Trần Ngọc Hồng Anh (27 tuổi) cầm trên tay 6 ly trà sữa thịt heo Mông Cổ. Cô cho biết mình bị “nghiện” từ lần thử đầu tiên và thường xuyên mua về bảo quản trong tủ lạnh.
“Đây là lần thứ 3 tôi uống trà sữa ở đây. Nhà khá xa nên phải mua nhiều để dùng dần. Mỗi buổi sáng, tôi sẽ đun nóng lại và uống để bắt đầu một ngày mới. Tôi không phải người mê ăn vặt, nhưng trà sữa thịt heo Mông Cô mang vị thanh nhẹ rất khác, cảm giác healthy”, Hồng Anh bộc bạch.
Trà sữa đựng trong ly 2 lớp được thiết kế riêng để cách nhiệt, tránh bỏng tay. Ảnh: Trúc Hồ. |
Tương tự, Đỗ Thu Quyên (29 tuổi, sống tại quận Bình Thạnh) cũng quay lại uống trà sữa thịt heo Mông Cổ lần 2. Cô nhận xét: “Ban đầu, tôi khá lo lắng, không biết trà sữa kết hợp với thịt heo cho ra hương vị thế nào. Nhưng uống hợp lại thích, vị thơm béo hài hòa, vừa uống trà sữa vừa nhai thịt heo cũng vui miệng”.
Tuy nhiên, Thu Quyên lại cho rằng điểm hạn chế của món uống này là không thể cho thêm đá.
“Những tháng đầu năm, thời tiết TP.HCM oi bức, đến 17h nắng còn gắt và ban đêm vẫn hầm hập. Trà sữa nóng thích hợp uống vào sáng sớm hơn, khi trời còn se lạnh. Tôi nghĩ quán nên cân nhắc phiên bản lạnh để thực khách có thêm trải nghiệm”, cô nói.
Mục Du lịch – Ẩm thực gửi tới độc giả những tựa sách “gối đầu giường” cho người mê nội trợ. Bất kể là ẩm thực đường phố hay nhà hàng sang trọng, mỗi món ăn, mỗi phong cách nấu nướng đều có một câu chuyện riêng, những bí quyết không phải ai cũng biết.