Vấn vương vị bánh, đậm tình miền Tây

Mien que song nuoc anh 1

Sách Vấn vương hương vị bánh quêDư vị miền xưa. Ảnh: Q.M.

Sinh ra và lớn lên ở miệt đất Hậu giang, được trải nghiệm qua nhiều chuyến đi điền dã, lượm lặt ghi chép từ vốn sống dân gian, tác giả – thầy giáo Trần Minh Thương đã đem đến cho bạn đọc những trang viết mang đậm nét văn hóa xứ này.

Dư vị dịu mát, ngọt lịm của tình đất, tình người

Cuốn Dư vị miền xưa (gồm 22 bài tản văn) là những trang viết lan man, tản mạn ghi theo dòng ký ức sẽ đưa độc giả về lại với miền xưa ở vùng quê sông nước – nơi lắng đọng lại chút dư vị dịu mát, ngọt lịm của tình đất, tình người: “Thôn quê, sông nước rì rào / Đồng lúa ngọt ngào, dư vị miền xưa”.

Những ai từng trải qua những trò chơi thời thơ dại như tắm sông, mò tôm, bắt cá; những lần đi đào chuột, đặt vó, đặt lờ, soi nhái, thọt trứng kiến câu cá rô… sẽ thấy bóng dáng của mình, của kỷ niệm qua những câu chuyện, những dòng tản văn man mác.

Rồi chuyện theo mẹ, theo bà đi đám cúng cơm đến những chuyện nghe được từ những bậc trưởng thượng kể lại về cách ứng xử của tình sui gia, chuyện trộm cắp, chuyện đi uống cà phê sáng, chuyện chèo ghe đi chợ, chuyện mùa mưa đến, mùa nước nổi tràn đồng, mùa gió chướng thổi, mùa Tết hay việc cúng cô hồn các đảng.

Chúng ta cũng sẽ gặp lại cảnh sinh hoạt từ gia đình cho đến làng xóm từ lúc trời rựng sáng, đến trưa, đến chiều, và tối … Với những cây đèn dầu leo lét, bên mái nhà lợp lá đơn sơn, mẹ dỗ con ngủ, trai gái rủ nhau giã gạo, gánh nước, chẻ tre đương sàng, đương rổ, vót câu, các cụ bà sàng gạo, vá may, các cụ ông uống trà kể chuyện đời xưa cho con cháu nghe. Và đó gần như là hình thức giải trí phổ biến nhất. Dần về sau, anh em trong xóm rủ nhau đi nghe khính máy hát dĩa, coi cải lương bằng cái vô tuyến trắng đen của nhà nào đó có điều kiện trong xóm …

Rồi cũng trong bóng tối đó, chuyện ma nhác, ma giấu cũng đã không ít lần được người ta truyền miệng cho nhau nghe. Thậm chí, cả chuyện ma quá giang trên những chiếc ghe, chiếc xuồng rủ nhau đi chợ…

Dư vị miền xưa còn gồm những trang viết hồi tưởng về những ký ức ngọt ngào nuôi dưỡng những tình yêu đầu đời với những người bạn cùng xóm, cùng quê.

Những mối tình học trò của những bạn trai, bạn gái cùng trường làng do những thầy giáo tự mở lớp dạy học. May mắn thì nên duyên chồng vợ, và cũng không ít chuyện dở dang vì hoàn cảnh… Sui gia thuận hòa thì tình nồng nghĩa thắm, sui gia bất hòa thì mặt nặng mày chau…

Mien que song nuoc anh 2

Một số loại bánh dân gian Nam Bộ. Nguồn: congly.

Vị ngọt đậm tình quê

Cuốn Vấn vương hương vị bánh quê (gồm 48 bài) viết về những chiếc bánh ngon ngọt, đậm đà mùi vị đặc trưng của miền quê sông nước. Đó là bánh bao, bánh bò với chất men nổi mang hàm ý tượng trưng cho sự nảy nở, phồn thịnh.

Bánh da lợn gợi nhớ chuyện buồn về thân phận những cô gái bán bánh được học giả Vương Hồng Sển nhắc đến. (Bánh xèo, bánh khọt với hàng chục dị bản khác nhau. Tùy người làm và tùy khẩu vị mà người ta… chế biến.

Độc đáo hơn, người Miền Tây thích ngọt và khoái béo. Nên gần như loại bánh nào cũng có sự góp mặt của đường và nước cốt dừa. Bởi vậy, những cái bánh nhưn (nhân) mặn vẫn được bà con sáng chế thêm những cái bánh ngọt dù nó không phổ biến cho lắm: bánh canh ngọt, bánh tằm ngọt, bánh xèo ngọt…

Thậm chí có người còn ăn bánh tét nhưn đậu mỡ chấm… đường cát, đường thốt nốt! Những cái bánh pía, bánh in dần về sau đã trở thành thương hiệu để bà con dùng làm quà tặng, biếu cho người thân sau mỗi chuyến đi có ghé qua vùng đất này. Đi đám giỗ cũng là một tập tục đẹp ở miền quê. Những cái bánh ít, những đòn bánh tét hay bọc bánh kẹp, bánh bông lan … gợi cho người đọc vấn vương cùng vị bánh.

Vấn vương hương vị bánh quê còn gồm cảnhững nét văn hóa dân gian đặc sắc của vùng đất Chín Rồng trù phú. Người đọc khi thưởng thức “bánh quê” cảm thấy gần gũi và dễ tìm gặp hơn qua lời kể, tả lại của bà con miền quê, kết hợp với những kiến thức văn hóa dân gian của tác giả Trần Minh Thương sau nhiều chuyến đi tìm hiểu.

Trần Minh Thương chia sẻ: “Khi viết những dòng này là tôi muốn tái hiện lại không gian ở đó có những nét văn hóa ứng xử vừa chân chất, mộc mạc, thắm đượm tình làng nghĩa xóm của người miền quê. Hơn thế, đó cũng chính là hơi thở, cuộc sống thời niên thiếu mà tôi đã từng trải qua”.

Đọc được sách hay, hãy gửi review cho ZNews

Bạn đọc được một cuốn sách hay, bạn muốn chia sẻ những cảm nhận, những lý do mà người khác nên đọc cuốn sách đó, hãy viết review và gửi về cho chúng tôi. ZNews mở chuyên mục “Cuốn sách tôi đọc”, là diễn đàn để chia sẻ review sách do bạn đọc gửi đến qua Email: [email protected]. Bài viết cần gửi kèm ảnh chụp cuốn sách, tên tác giả, số điện thoại.

Trân trọng.