Chi phí nuôi con gây choáng váng ở Trung Quốc

Theo báo cáo mới đây của Viện nghiên cứu dân số YuWa có trụ sở ở Bắc Kinh, Trung Quốc là nơi có chi phí nuôi dạy con cái “gần như cao nhất thế giới” so với GDP bình quân đầu người.

Cụ thể, chi phí để nuôi dạy một đứa trẻ đến năm 18 tuổi ở Trung Quốc cao gấp 6,3 lần GDP đầu người trên toàn quốc.

Báo cáo nhấn mạnh con số này vượt xa mức 4,26 lần của Nhật Bản, 2,24 lần ở Pháp, 4,11 lần ở Mỹ và 2,08 lần ở Australia. Hàn Quốc đứng đầu với chi phí cao gấp 7,79 lần GDP bình quân đầu người.

“Trung Quốc đang chứng kiến ​​mức sinh suy giảm nhanh chóng. Ít con cái hơn, cha mẹ có xu hướng tập trung nhiều nguồn lực hơn vào việc nuôi dạy và giáo dục thế hệ tiếp theo”, tiến sĩ Zhao Litao, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Đông Á thuộc Đại học Quốc gia Singapore (NUS), cho biết.

Tuy nhiên, các nhà phân tích lưu ý rằng chi phí không chỉ được tính trên tiền bạc, cha mẹ còn tốn kém rất nhiều về mặt thời gian và chi phí cơ hội. Họ nhấn mạnh sự tổn thất đặc biệt rõ ràng đối với các bà mẹ do các chuẩn mực giới tính phổ biến ở Trung Quốc.

Chính quyền địa phương đang cung cấp các mức độ hỗ trợ khác nhau, nhưng các chuyên gia tin rằng điều thực sự thúc đẩy thay đổi phải xuất phát từ tư duy của các doanh nghiệp và người dân về vai trò của cha mẹ và định nghĩa về thành công.

Chi phí thực không thể tính toán

Báo cáo của Viện nghiên cứu dân số YuWa cho biết chi phí trung bình toàn quốc để nuôi một đứa trẻ ở Trung Quốc đến 18 tuổi là khoảng 538.000 nhân dân tệ (74.600 USD). Trong đó bao gồm phí bảo mẫu và chăm sóc trẻ em, tiền chi cho trường học và tài liệu giáo dục cũng như phí hoạt động ngoại khóa.

nuoi con ton kem anh 1

Trung Quốc là một trong những quốc gia có áp lực chi phí nuôi con cao nhất thế giới. Ảnh: Zhu Yinwei/VCG.

Con số này gấp khoảng 6,3 lần GDP bình quân đầu người của đất nước và “gần như cao nhất thế giới”.

Bắc Kinh và Thượng Hải vẫn là những nơi đắt đỏ nhất ở Trung Quốc về chi phí nuôi dạy một đứa trẻ – với con số trung bình lần lượt là khoảng 936.000 nhân dân tệ và 1,01 triệu nhân dân tệ.

Nếu tính cả chi phí học đại học, mức trung bình toàn quốc sẽ tăng hơn 25%, chạm mốc hơn 680.000 nhân dân tệ. Báo cáo cho biết cần phải ước tính chi phí giáo dục đại học vì dù cha mẹ không có nghĩa vụ phải hỗ trợ tài chính khi con cái đã đủ 18 tuổi, thực tế hầu hết họ đều làm như vậy.

Dân mạng chỉ trích rằng con số thống kê này vẫn quá thấp so với chi phí thực tế. “Ước tính phải tốn hàng triệu nhân dân tệ, 680.000 là quá ít”, một bình luận, thu hút hơn 6.000 lượt yêu thích, cho biết.

“30.000 nhân dân tệ một năm sao? Đó chỉ là con số trung bình, thực tế tại các đô thị lớn thì từng đó là không thể đủ”, “Việc tính toán con số trung bình là vô nghĩa”, nhiều người khác bày tỏ.

Chạy đua về giáo dục

Các tác giả của báo cáo cũng chỉ ra rằng chi tiêu cho giáo dục chiếm phần lớn trong tổng chi phí nuôi dạy một đứa trẻ ở Trung Quốc. Giáo dục tốt đã và đang được phần lớn người dân trong nước coi là yếu tố quan trọng để thành công.

Theo một bài báo năm 2017 của South China Morning Post, nhiều người tin rằng “Việc tốt nghiệp từ các trường đại học tốt hơn đảm bảo một tương lai tươi sáng với địa vị, sự giàu có và thậm chí cả quyền lực”.

nuoi con ton kem anh 2

Nhiều gia đình Trung Quốc tốn số tiền lớn để con cái có nền giáo dục tốt nhất. Ảnh: Sixth Tone.

Tiến sĩ Zhao nói rằng trong bối cảnh đó, áp lực to lớn đã buộc các cha mẹ phải chạy đua để tìm nền giáo dục tốt nhất cho con mình.

Vì các trường học có chất lượng rất khác nhau nên các gia đình ở nông thôn cố gắng đăng ký cho con vào các trường ở quận thay vì trường làng “chất lượng thấp”. Trong khi đó, các gia đình thành thị cố gắng mua những căn hộ đắt tiền gần trường học tốt nhất hoặc trả “phí chọn trường” để con được vào học.

Giáo sư Stuart Gietel-Basten từ Đại học Khoa học và Công nghệ Hong Kong (HKUST) cũng có quan điểm tương tự, xếp “các trường học đắt tiền” và các môn học năng khiếu vào nhóm “chi phí bổ sung”.

Giáo sư Gietel-Basten, đồng thời là giám đốc Trung tâm Khoa học Lão hóa của HKUST, cho biết thêm: “Ở châu Á, chúng ta có áp lực buộc con cái phải thành công, và con đường dẫn đến thành công khá hẹp. Mặc dù có nhiều trường đại học ở đại lục, các bậc cha mẹ mong muốn con cái thành công bằng cách vào được một trường đại học cụ thể”.

Giáo sư Gietel-Basten cho biết điều này không may đã được chứng minh là một công cụ kiếm tiền cho các tổ chức và mang lại rất ít động lực để họ thay đổi.

Tiến sĩ Zhao nói rằng việc có một sinh viên đại học trong gia đình “làm tăng đáng kể” gánh nặng tài chính: “Đối với một gia đình ở nông thôn, chi tiêu cho sinh viên đại học chiếm tới 35% tổng chi tiêu của hộ gia đình. Cộng lại, việc nuôi dạy một đứa trẻ ở Trung Quốc rất tốn kém”.

Cái giá đắt hơn khi làm mẹ

Tuy nhiên, theo báo cáo của viện Yuwa cũng như các nhà phân tích, việc nuôi dạy một đứa trẻ không chỉ có áp lực tài chính mà còn có một cái giá đắt phải trả về thời gian và chi phí cơ hội cho các bậc cha mẹ, đặc biệt là các bà mẹ.

Tiến sĩ Zhao trích dẫn một cuộc khảo sát của chính phủ thực hiện vào năm 2017 cho thấy việc thiếu người chăm sóc gia đình là một trong 3 lý do hàng đầu khiến phụ nữ Trung Quốc trong độ tuổi sinh đẻ không muốn sinh thêm con.

Số giờ làm việc được trả lương của phụ nữ sau khi có con cũng giảm, chủ yếu là trước khi trẻ tròn 4 tuổi. Tuy nhiên, số giờ làm việc được trả lương của nam giới vẫn không thay đổi sau khi làm cha.

nuoi con ton kem anh 3

Phụ nữ trả cái giá đắt hơn khi có con. Ảnh: China Daily.

Theo nghiên cứu được báo cáo trích dẫn, ở Trung Quốc, mỗi đứa trẻ được sinh ra đồng nghĩa với việc lương của phụ nữ sẽ giảm từ 12% đến 17%.

Giáo sư Gietel-Basten chỉ ra nhiều phụ nữ bị buộc rời khỏi thị trường lao động do không được hỗ trợ đầy đủ và “phải làm mọi việc ở nhà” vì thiếu cân bằng trong vai trò giới.

Tờ South China Morning Post đưa tin các phát hiện và đề xuất khảo sát gần đây được đưa ra nhấn mạnh rằng phụ nữ ở nước này vẫn phải chịu những bất lợi đáng kể trong các khía cạnh, từ phát triển nghề nghiệp đến gánh nặng việc nhà.

Một báo cáo thường niên được công bố vào đầu tháng 3 bởi nền tảng tuyển dụng Zhaopin.com cho thấy phụ nữ đi làm ở Trung Quốc kiếm được ít hơn khoảng 13% so với nam giới – một khoảng cách hầu như không thay đổi trong vài năm qua.

Trong khi đó, cuộc khảo sát cho thấy hơn 70% phụ nữ đi làm dành hơn 2 giờ cho việc nhà mỗi ngày, trong khi chưa đến một nửa nam giới làm như vậy.

“Vì những lý do như chi phí sinh con cao và sự khó khăn của phụ nữ trong việc cân bằng giữa gia đình và công việc, mức sẵn lòng sinh con trung bình của người dân Trung Quốc gần như thấp nhất trên thế giới”, báo cáo viết.

Tỷ lệ sinh toàn quốc đạt mức thấp kỷ lục 6,39 ca sinh trên 1.000 người vào năm ngoái. Tỷ lệ sinh đã giảm mạnh trong nhiều thập kỷ do chính sách một con kéo dài.

Dù chính sách sinh đẻ đã được nới lỏng hai lần, các cặp vợ chồng được phép sinh tối đa 3 con kể từ năm 2021, nhưng số trẻ được sinh ra vẫn không tăng.

AI có cướp đi công việc của chúng ta?

Trong cuốn AI chuyện chưa kể, tác giả Tomoe Ishizumi cho rằng đây chỉ là công cụ tối ưu không hơn không kém. Có một điều chắc chắn rằng AI có thể thay thế phần lớn công việc mà con người đang làm hiện nay. Tuy nhiên, chúng ta không nên nghĩ máy móc sẽ cướp đi công việc của con người mà hãy nghĩ rằng máy móc sẽ làm những công việc vất vả để con người có thời gian sáng tạo hơn.

Bức ảnh Mark Zuckerberg đổi áo khoác với CEO Nvidia gây sốt

Trong bức ảnh chụp chung, CEO Meta gây chú ý khi mặc chiếc áo khoác da màu đen biểu tượng của Jensen Huang, CEO của Nvidia.