‘Liều chết người’ trong thực phẩm chức năng của Nhật

Sản phẩm thực phẩm chứa năng chứa gạo men đỏ của Kobayashi được cho là liên quan đến những ca nhập viện và tử vong tại Nhật Bản. Ảnh: Nikkei.

Công ty dược phẩm Kobayashi ngày 29/3 thông tin thêm một trường hợp tử vong sau khi sử dụng thực phẩm chức năng chứa gạo men đỏ, hay beni koji. Điều này đã nâng tổng số ca tử vong liên quan đến sản phẩm của Kobayashi lên 5 trường hợp, tính đến sáng 29/3, theo Kyodo News.

Bộ Y tế Nhật Bản cho biết có 93 trường hợp nhập viện sau khi sử dụng thực phẩm bổ sung hỗ trợ giảm cholesterol của hãng. Ngoài ra, Kobayashi cũng đã nhận được 12.000 câu hỏi về các vấn đề liên quan.

Gạo men đỏ còn được Kobayashi phân phối đến các doanh nghiệp thực phẩm khác. Sau khi tham khảo ý kiến của chuyên gia, Bộ Y tế Nhật Bản đã yêu cầu các công ty đã nhập sản phẩm của Kobayashi tự nguyện kiểm tra và báo cáo kết quả về sản phẩm của mỗi bên.

Vụ việc này đã làm rung chuyển một phân khúc trong thị trường thực phẩm Nhật Bản, vốn tăng mạnh sau những nới lỏng về vấn đề dán nhãn, theo Nikkei.

“Đây là trường hợp nghiêm trọng gây nghi ngờ về những sản phẩm được dán nhãn thực phẩm chức năng”, Yutaka Arai, ủy viên Cơ quan Các vấn đề Người tiêu dùng Nhật Bản (CAA), nói.

CAA hôm 28/3 cũng gửi thư đến 1.700 nhà sản xuất thực phẩm chức năng, yêu cầu kiểm tra nếu có các báo cáo về vấn đề sức khỏe. Cơ quan này cũng yêu cầu các công ty xác minh rằng họ đã chuẩn bị sẵn các quy trình thu thập thông tin.

thuc pham chuc nang anh 1

Akihiro Kobayashi (phía trước), Chủ tịch công ty dược phẩm Kobayashi, cúi đầu trong buổi họp báo hôm 22/3. Ảnh: Yomiuri.

Kobayashi nhận chỉ trích vì xử lý muộn

Ngày 28/3, công ty Kobayashi cho biết họ đang gấp rút xác minh cái gọi là “chất ngoài ý muốn” có thể xuất hiện trong thực phẩm chức năng chứa gạo men đỏ.

Hãng dược phẩm có trụ sở tại Osaka cho biết chất này tương tự với nấm mốc và được phát hiện trong những tấn hàng gạo men đỏ được sản xuất vào giai đoạn tháng 4/2023-12/2023, được dùng làm nguyên liệu cho thực phẩm chức năng giảm cholesterol.

Vụ việc về gạo men đỏ lần này là lần đầu tiên Nhật Bản có các lo ngại sức khỏe liên quan đến thực phẩm chức năng. Hiện chưa rõ nguyên nhân đến từ nguyên liệu hãy lỗi trong quá trình sản xuất. Dù với lý do nào, Kobayashi cũng đã vấp phải chỉ trích vì đã báo cáo quá muộn.

Một bác sĩ đã liên hệ với công ty Kobayashi vào ngày 15/1 sau khi bệnh nhân mắc bệnh thận được cho là liên quan đến sử dụng thực phẩm chức năng của hãng dược phẩm này.

Công ty cũng nhận được báo cáo về vấn đề sức khỏe hồi tháng 2, nhưng mãi đến 22/3, Kobayashi mới báo cáo lên Cơ quan Các vấn đề Người tiêu dùng Nhật Bản và giới chức Osaka, cùng thời điểm công bố với công chúng.

Luật ở Nhật Bản yêu cầu các nhà sản xuất thực phẩm chỉ báo cáo tình trạng ngộ độc thực phẩm đối với những sản phẩm có chứa bất kỳ loại chất nào trong số 4 loại chất được chỉ định, và gạo men đỏ không thuộc nhóm 4 chất trên. Hướng dẫn của CAA đối với thực phẩm chức năng ghi rằng các nhà sản xuất “báo cáo kịp thời” với bất kỳ vấn đề sức khỏe nào.

Shinji Hatta, giáo sư danh dự tại Đại học Aoyama Gakuin ở Tokyo, cho rằng vẫn chưa có luật rõ ràng về tính an toàn đối với thực phẩm chức năng.

“Tuy nhiên, vì mục đích phòng ngừa, công ty dược phẩm Kobayashi lẽ ra phải công khai thông tin khi nhận được báo cáo về các vấn đề sức khỏe”, ông nói.

Cú đấm vào thị trường màu mỡ

Thực phẩm chức năng (kinosei hyoji shokuhin) là một danh mục mới được thêm vào trong các danh mục về thực phẩm ở nước này vào năm 2015. Đây được xem như một giải pháp có giá thành thấp, thay thế cho sản phẩm được phân loại “thực phẩm có đặc tính tốt cho sức khỏe” (tokuho), vốn cần được chính phủ sàng lọc.

Nhãn thực phẩm chức năng được đưa ra nhằm giúp các doanh nghiệp nhỏ dễ dàng cung cấp thực phẩm giá trị gia tăng và kích thích tăng trưởng của ngành.

Thị trường thực phẩm chức năng đã vượt qua nhóm thực phẩm tokuho vào năm 2020 và tăng trưởng 19% trong năm 2023, đạt hơn 686 tỷ yen (hơn 4,5 tỷ USD), theo báo cáo từ công ty nghiên cứu Fuji Keizai. Thị trường Nhật Bản hiện cung cấp 6.700 sản phẩm thực phẩm chức năng, gấp 6 lần so với sản phẩm tokuho.

Khủng hoảng tại công ty Kobayashi đã buộc các hãng thực phẩm khác gấp rút kiểm tra lại những sản phẩm của họ. Doanh nghiệp sản xuất kẹo Kanro cho biết họ sẽ yêu cầu các nhà phân phối nguyên liệu cung cấp thông tin về độ an toàn sản phẩm “để đề phòng”.

Cuốn sách Ăn gì, khi nào của các tác giả Michael Crupain, Michael Roizen, Ted Spiker khám phá điểm giao thoa giữa “ăn cái gì” và “ăn khi nào”, phân tích tỉ mỉ cách thức những thực phẩm lành mạnh nhất tương tác với cơ thể bạn tùy thuộc vào thời điểm bạn ăn chúng, từ đó đưa ra một kế hoạch chi tiết giúp bạn có phương án ăn uống tối ưu mỗi ngày.

Chuyện gì đã xảy ra với người dùng thực phẩm bổ sung của Nhật Bản?

Công ty dược phẩm Kobayashi cho biết một trường hợp tử vong được cho là liên quan đến việc sử dụng thực phẩm bổ sung của hãng này.