Tôi đến Nam Cực, ngắm tảng băng 1.000 tỷ tấn

Tôi check-in cùng chim cánh cụt vua tại Nam Georgia.

“Fin del Mundo (nơi tận cùng thế giới)!” – đây là cách gọi đầy tự hào của người dân Argentina mỗi khi nhắc đến Ushuaia, thủ phủ của cụm đảo Tierra del Fuego và là thành phố xa nhất về phía nam của địa cầu. Nơi đây có vị trí địa lý gần Nam Cực nhất so với tất cả đô thị khác trên thế giới.

Chuyến khám phá Nam Cực kéo dài một tháng của tôi bắt đầu từ đây, tính tổng thời gian di chuyển từ Việt Nam đến khi kết thúc hành trình.

Tôi là Nguyễn Ngọc Thiện (36 tuổi, ngụ TP.HCM) – một kỹ sư, thợ lặn và nhiếp ảnh gia đại dương. Tôi từng thắng giải tại cuộc thi “Nhiếp ảnh đại dương quốc tế 2023″, hạng mục Những rạn san hô trên thế giới” và “Chân dung động vật biển” do Tổ chức Bảo tồn đại dương Ocean Geographic Society và tạp chí Ocean Geographic (Australia) tổ chức.

Lần đi vào đầu năm 2024 vừa qua, tôi có cơ hội ngắm loài chim cánh cụt đặc hữu, chạm trán với loài hải cẩu báo Leopard seal và thưởng ánh hoàng hôn lúc 22h ở lục địa Nam Cực.

Lênh đênh

Ushuaia chào đón tôi với tất cả những gì khắc nghiệt và thất thường nhất. Trong một ngày, nơi đây vừa có mây mù âm u, vừa nắng vàng rực rỡ; chuyển từ gió lốc mưa phùn rét buốt đến màn trình diễn cầu vồng đầy mãn nhãn ở đường chân trời.

kham pha Nam Cuc anh 1

Ushuaia – thủ phủ của cụm đảo Tierra del Fuego.

Leo lên tàu thám hiểm cỡ nhỏ (loại tàu đặc thù dành cho hoạt động nghiên cứu khoa học), tôi bắt đầu chuyến hành trình ra khơi khám phá các quần đảo cận Nam Cực và lục địa Nam Cực.

Sau hai ngày ròng rã, tôi đến được điểm cực tây của quần đảo Falkland, một trong những hòn đảo cận Nam Cực và là lãnh thổ hải ngoại xa xôi nhất thuộc nước Anh.

Khí hậu tại đảo quanh năm khắc nghiệt, nhưng đây lại là thiên đường cho loài chim hoang dã, chim di cư và rất nhiều loài chim cánh cụt đặc hữu chỉ có thể tìm thấy ở vùng cận Nam Cực này.

kham pha Nam Cuc anh 2

Hàng chục nghìn chim cánh cụt vua tại Nam Georgia.

Từ quần đảo Falkland, tàu tiếp tục xuôi theo dòng chảy Nam Đại Tây Dương xuống phía nam, đến nơi được xem là “vùng đất thiên đường nơi địa cực” – Nam Georgia. Nếu không đến đây, du khách sẽ không dễ tìm thấy ở nơi nào khác quần thể lớn chim cánh cụt vua (king penguins). Chúng tập trung đông đảo lên đến hàng chục nghìn con.

Hết bàng hoàng về lượng chim cánh cụt vua, tôi đến kinh ngạc khi lần đầu chứng kiến những đỉnh núi phủ băng tuyết và những đồng cỏ xanh mướt trải dài đến đường chân trời. Đây quả thật là một thiên đường hoang dã cận Nam Cực với một hệ sinh thái đặc biệt hiếm có. Mật độ động vật hoang dã trên mỗi mét vuông dày đặc nhất thế giới.

Từ Nam Georgia, tàu tiếp tục xuôi dòng xuống phía nam, chậm rãi tiến vào vùng biển Nam Đại Dương. Lần lênh đênh trên biển này kéo dài khoảng 4 ngày. Nhiệt độ bên ngoài bắt đầu giảm xuống âm độ. Các tảng băng trôi trên biển xuất hiện ngày càng nhiều hơn. Tuyết bắt đầu rơi giữa mùa hè ở Nam bán cầu.

Đó là lúc tôi biết mình sắp tiến vào lục địa Nam Cực.

Với tôi, một phần của siêu lục địa Gondwana là vùng đất băng giá khắc nghiệt ở nơi tận cùng thế giới. Vùng đất xa xôi và hoang sơ đến mức nó vẫn là một trong những biên giới vĩ đại cuối cùng để con người khám phá và phiêu lưu. Một thế giới khắc nghiệt với vẻ đẹp kỳ vĩ ngoạn mục của núi tuyết và băng trôi, cùng hệ sinh thái thiên nhiên hoang dã độc đáo và phong phú vẫn còn được bảo tồn nguyên vẹn, gần như tách biệt với thế giới bên ngoài.

Tại đây, tôi còn được tiếp cận tảng băng trôi A23a lớn nhất trên thế giới, nặng gần 1.000 tỷ tấn, rộng 4.000 km vuông.

kham pha Nam Cuc anh 4

Sau lưng tôi là tảng băng trôi A23a lớn nhất thế giới.

Ngoài thời gian neo đậu tại các đảo cận Nam Cực và lục địa Nam Cực, hầu hết thời gian còn lại của tôi cũng như hành khách khác đều sẽ quay lại tàu mẹ để sinh hoạt, ngủ nghỉ, ăn uống và dành thời gian tham gia các khóa học trên tàu về hệ sinh thái động thực vật, địa chất học, khí tượng học, các dự án bảo tồn… tại hai khu vực này.

Sáng tác ảnh trong điều kiện không tưởng

Tôi có niềm đam mê cháy bỏng với đại dương, vùng biển hoang sơ, hệ sinh thái đa dạng và cả nhiếp ảnh. Trong chuyến đi lần này, tôi bấm máy trong điều kiện thời tiết khác nhau, trải nghiệm Ushuaia với đủ loại trạng thái thời tiết và một Nam Cực với khí hậu khắc nghiệt.

Mùa đông tại đây thường kéo dài 6 tháng, nhiệt độ có thể giảm đến âm 65 độ C và gần như không có ánh sáng mặt trời. Vì thế, hầu hết hoạt động khám phá Nam Cực thường diễn ra vào mùa hè. Thời điểm ấy sẽ có ánh sáng mặt trời. Nhiệt độ cũng dao động tương đối ở mức âm 1 độ C đến âm 10 độ C.

Còn thời tiết ở vùng biển cận Nam Cực cũng khắc nghiệt không kém. Chúng thay đổi liên tục theo từng giờ. Trời đang nắng bỗng kéo mây và mưa tuyết dày đặc chỉ sau một giờ; hay trời đang yên biển lặng thì bất ngờ những trận gió vùng địa cực thổi đến với sức gió gần 200 km/giờ, đủ cuốn phăng một người trưởng thành. Lúc này, các tàu lập tức phải tìm nơi tránh gió, tạm hoãn kế hoạch vào đất liền.

Thêm nữa, khi tìm kiếm động vật hoang dã, thuyền phao zodiac di chuyển vào vùng nước mở, thoáng, thuận tiện cho việc di chuyển, tiến vào các vịnh ở Nam Cực. Tuy nhiên, đến lúc về thì vùng nước mở đã hoàn toàn bị bít kín bởi các khối băng trôi dày đặc và không thể tìm đường trở về tàu.

kham pha Nam Cuc anh 9

Khối băng dày đặc tôi được tận mắt chứng kiến.

Để tiếp cận khu vực có thể sáng tác ảnh như tảng băng, hòn đảo có chim cánh cụt vua cư ngụ, tàu thám hiểm cỡ nhỏ sẽ di chuyển đến các điểm này trong hải trình, tôi cùng hành khách khác được bố trí theo đội nhóm 8-10 người, xuống thuyền phao zodiac để neo tại các đảo cận Nam Cực và lục địa Nam Cực.

Trong điều kiện thời tiết thuận lợi, mỗi ngày chúng tôi có thể neo lại 2 lần (sáng và chiều), mỗi lần kéo dài khoảng 4-5 tiếng. Tuy nhiên, thời gian lưu lại sẽ thay đổi tùy vào tình hình thời tiết thực tế, để đảm bảo an toàn cho cả đoàn bởi thời tiết ở khu vực này thay đổi rất thất thường.

Ngoài ra, hành khách tham gia chuyến thám hiểm đều là những người thuộc giới nghiên cứu khoa học, động vật học, sinh vật học, địa chất học, các diễn giả, các nhà bảo tồn tự nhiên…

Tất cả đều phải tuân theo các bộ quy tắc bắt buộc để giữ an toàn và khoảng cách nhất định với động vật hoang dã để không làm gián đoạn hoặc ảnh hựởng tiêu cực đến quần thể sinh vật bản địa. Bên cạnh đó, mỗi nhóm khách đều sẽ có nhân viên đi cùng nhằm hướng dẫn và đảm bảo tất cả tuân thủ các qui định này trong suốt chuyến đi.

Hành trình đến Nam Cực thường rất dài ngày. Du khách nên tìm hiểu và tập thích nghi trước với việc lênh đênh trên biển, sống và sinh hoạt trên tàu giữa đại dương như các thủy thủ đoàn để không gặp tình trạng chóng mặt, say sóng, buồn nôn.

Các hoạt động cá nhân như di chuyển trên tàu, ăn uống, tắm rửa, vệ sinh cá nhân… du khách đều phải thích ứng trong điều kiện tàu dập dềnh và chòng chành liên tục khi di chuyển qua những vùng biển khắc nghiệt nhất hành tinh. Đôi lúc chén dĩa rơi vỡ liên tục trong phòng ăn, hay đồ đạc trong cabin của bạn sẽ văng tứ tung khắp nơi, hay bạn phải dựa và tì thật chắc vào thành tường để có thể tắm gội mà không bị văng ra khỏi phòng tắm.

Ngoài ra, vì tính chất xa xôi, hẻo lánh và nguy hiểm ở điểm đến tại các đảo cận Nam Cực và Nam Cực, du khách cần cân nhắc kỹ và mua gói bảo hiểm du lịch. Gói bảo hiểm chăm sóc y tế và sơ tán khẩn cấp ở Nam Cực có hạn mức dao động 100.000-200.000 USD/khách (tương đương 2,5 – 5 tỷ đồng).

Mục Du lịch – Ẩm thực gửi tới độc giả những tựa sách hay, truyền cảm hứng xê dịch. Không chỉ là những chuyến du lịch đơn thuần, mỗi tác phẩm kể lại hành trình khám phá, học hỏi nhiều điều hay từ những nền văn minh, địa điểm mới của các tác giả.

> Xem thêm: Sách cho người xê dịch

Tôi đặt chân trên mặt hồ 2 triệu năm tuổi ở Mông Cổ

Đã khám phá 60 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới, chuyến đi đến Mông Cổ vẫn để lại cho tôi nhiều ấn tượng tuyệt vời.

Sắp sang năm Rồng, tôi đi ngắm loài rồng duy nhất còn tồn tại

Không chỉ sở hữu những cá thể rồng cổ với niên đại hàng triệu năm, quần đảo Komodo còn có nhiều địa điểm tham quan, hoạt động trải nghiệm thú vị.